Công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) năm 2023
Sáng 28/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Ninh Bình năm 2023. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Hoàng Hà, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các cơ quan Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Liên minh HTX tỉnh; các thành viên tổ công tác DDCI của tỉnh; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023.
Tại hội nghị, đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023.
Kết quả, đối với các sở, ban, ngành có 5 đơn vị xếp loại rất tốt là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh; 7 đơn vị xếp loại tốt, 11 đơn vị xếp loại khá và trung bình. Đối các huyện, thành phố có 1 địa phương xếp loại rất tốt là huyện Kim Sơn; 4 đơn vị xếp loại tốt, 1 đơn vị xếp loại khá và 2 đơn vị xếp loại trung bình.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Bộ chỉ số DDCI đã được áp dụng linh hoạt, dần đi vào quy củ, phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh của tỉnh, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện khảo sát. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên triển khai khảo sát trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian điền phiếu và tiếp đón các điều tra viên.
Các thông tin thu thập được là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, sát, trúng, đúng tình hình thực tiễn tại địa phương. Kết quả khảo sát, lấy ý kiến là căn cứ để các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp, từ đó tiếp tục phát huy những mặt đã làm được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Đại diện đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Bắc Ninh cũng đã trao đổi góc nhìn của chuyên gia về kết quả, tầm quan trọng của việc công bố Bộ chỉ số DDCI. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong thời gian tới để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Sau 3 năm triển khai thực hiện, việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) có tác động rất lớn tới ý thức của từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc tự xem xét, soi lại chất lượng thực hiện các nhiệm vụ hành chính có liên quan đến doanh nghiệp. Đây là kênh nhìn nhận, cảm nhận của doanh nghiệp về sự điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương, vì vậy nếu biết chắt lọc và nhìn nhận đúng bản chất thì giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của sở, ban, ngành, địa phương, sau khi công bố kết quả xếp hạng DDCI năm 2022 đã tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cải thiện từng chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở trong Bộ chỉ số DDCI tỉnh Ninh Bình năm 2023. Do đó, trung bình điểm số đánh giá của khối sở, ban, ngành năm nay đã tăng 5,64 điểm so với năm ngoái.
Điều này cho thấy kết quả chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong việc xây dựng bộ máy năng động, thích nghi với nhiệm vụ phát triển trong bối cảnh kinh tế mới đã phần nào đạt được hiệu quả, góp phần quan trọng để Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Ninh Bình được cải thiện đáng kể, tăng 14 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến thu thập thông tin đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng lớn từ cộng đồng doanh nghiệp với tỷ lệ phản hồi đạt trên 50%, cao hơn so với năm ngoái.
Trân trọng cảm ơn sự vào cuộc trách nhiệm của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh... trong công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu được vai trò, ý nghĩa và tích cực tham gia khảo sát, trả lời phiếu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị căn cứ điểm số các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở, vị trí thứ bậc và xếp hạng đã được đánh giá trong Bộ chỉ số DDCI năm nay, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình hành động để cải thiện từng chỉ số thành phần và chỉ tiêu cơ sở.
Đối với các đơn vị xếp hạng mức cao tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, giữ vững thứ hạng; đối với các đơn vị xếp hạng ở mức thấp thì tìm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thứ hạng trong năm tới.
Chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong điều kiện bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế-xã hội nói chung và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục nêu cao hơn nữa tinh thần chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để các doanh nghiệp yên tâm, phấn khởi sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị mới, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời tăng cường phối hợp, rà soát lại các tiêu chí, chủ động khắc phục những vấn đề đang là tồn tại, hạn chế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Ninh Bình, qua đó góp phần tích cực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bên cạnh đó cần tích cực phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố nghiên cứu có giải pháp phù hợp để tuyên truyền hỗ trợ kiến thức pháp luật cho các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn.
Nhấn mạnh tầm nhìn và định hướng chiến lược của tỉnh là xây dựng thành phố Hoa Lư-Ninh Bình trở thành "Đô thị Di sản thiên niên kỷ", nằm trong mục tiêu chung đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 đạt cơ bản tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt sâu sắc tinh thần này để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng quyết tâm, nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu khát vọng lớn lao này.