Công bố chương trình vinh danh 'Vì sự phát triển Dược liệu Việt'
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số các dân tộc trên toàn cầu sử dụng thảo dược và y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ngày 26/9/2023, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền, Bộ Y tế, tổ chức Lễ công bố Chương trình Vinh danh Vì sự phát triển Dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việt Nam với nhiều vùng địa lý có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ và độ ẩm cao là điều kiện để có hệ sinh thái thực vật và động vật đa dạng và phong phú, đặc biệt là những thực vật và động vật làm thuốc. Riêng hệ thực vật ở nước ta, có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao. Theo kết quả điều tra trong năm 2015 của Viện Dược liệu (Bộ Y Tế), Việt Nam có 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật.
Ở Châu Á, Việt Nam cũng có một nền y dược học dân tộc phát triển hàng ngàn năm cùng với quá trình dựng nước và giữ nước, giữ vai trò quan trọng trong phòng, chữa bệnh cho nhân dân trên cơ sở vốn quý cây thuốc của đất nước. Song song với nguồn tài nguyên thực vật phong phú, tri thức bản địa của 64 dân tộc anh em cũng đóng góp vào kho tàng quý báu của nền y dược học dân tộc, truyền thống của Việt Nam.
Việc công nhận và phát huy vai trò của y dược học cổ truyền và nguồn cây thuốc để góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng là một xu hướng được Tổ chức y tế thế giới khuyến khích. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến đầu thế khỷ XXI có khoảng 80% dân số thế giới được tiếp cận với y học cổ truyền dân tộc như là một nền y học bổ sung (complimentary medicine) cho nhân loại.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số các dân tộc trên toàn cầu sử dụng thảo dược và y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028. Các cây thuốc không chỉ được dùng trong y học cổ truyền mà còn là nguyên liệu để công nghiệp dược hiện đại nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất tinh khiết để làm nguyên liệu làm thuốc và bán tổng hợp và tổng hợp, phát minh các phân tử mới để sản xuất dược phẩm hiện đại.
Ở nước ta, theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền, Bộ Y tế, hàng năm, tổng lượng dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.
Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Quyết định 1976/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Việt Nam có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.
Trong bức tranh tổng thể về tinh hoa dược liệu Việt, bên cạnh sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước với vai trò thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững; các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân tại các vùng trồng dược liệu tại Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, sau gần 30 năm thực hiện công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, ngành Y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng Trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ, TP.HCM.
Đồng thời, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị; Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO).
Có được những thành tựu này, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người nông dân và doanh nghiệp tại các vùng trồng dược liệu trên khắp cả nước.
Do vậy theo lãnh đạo Báo Sức khỏe đời sống, Lễ Vinh danh “Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” 2023 sẽ được tổ chức chính thức vào đầu tháng 12/2023 là cơ hội để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người nông dân và doanh nghiệp tại các vùng trồng dược liệu nhìn lại hành trình bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người Việt.
Tại sự kiện PGS-TS-BS.Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền, Bộ Y tế, từ hàng nghìn năm nay, trước khi biết đến y học hiện đại, Việt Nam đã khẳng định một nền y dược học cổ truyền lâu đời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và trị bệnh cho người dân theo câu nói của Danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, người đặt nền móng cho Y học cổ truyền Việt Nam: “Nam dược trị Nam nhân" - thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam.
Ngày nay, qua nhiều thế hệ, các thầy thuốc y dược học cổ truyền Việt Nam đã xây dựng nền y dược học cổ truyền vững mạnh, góp phần không nhỏ cùng y học hiện đại, phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.