Công bố cơ sở dữ liệu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của tòa án nước ngoài
Chiều 25/9, Bộ Tư pháp, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo Công bố cơ sở dữ liệu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài (gọi tắt là Cơ sở dữ liệu).
Đồng chủ trì Hội thảo là ông Bạch Quốc An – Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, ông Stephen Taylor – Trưởng phòng chính trị, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và ông Nils Christensen, Quyền Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bạch Quốc An cho biết để tìm kiếm được số liệu giải quyết của tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp mong muốn Cơ sở dữ liệu không chỉ với mục đích cung cấp thông tin mà còn là tiền đề để các cơ quan liên quan nhận diện tổng thể về công tác này, góp phần nâng cao chỉ số tin cậy, an toàn và hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Ông Stephen Taylor khẳng định Vương quốc Anh mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tư pháp Việt Nam thông qua Dự án UNDP và các dự án khác của Quỹ Thịnh vượng Anh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mang tính minh bạch và tin cậy tại Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này càng cấp thiết trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Đại dịch COVID-19 vì giúp nâng cao sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Ông Nils Christensen nhấn mạnh rằng việc tăng cường công nhận và thi hành bản án của tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là một trong những vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điều này là cần thiết để đảm bảo hội nhập kinh tế toàn cầu tốt hơn cho Việt Nam. UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này.
Hội thảo công bố Cơ sở dữ liệu là hoạt động nhằm hỗ trợ Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong thực thi Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện hoạt động theo dõi, đánh giá, giám sát những vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến tình hình thực hiện Công ước và việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN”. Dự án này được Quỹ thịnh vượng Vương Quốc Anh tài trợ cho khu vực Đông Nam Á thuộc Chương trình cải cách kinh tế do UNDP hợp tác với Chính phủ Anh thực hiện từ năm 2018 – 2021 nhằm hỗ trợ cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.
Hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài nói chung và việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài hiệu quả có một vai trò, tác động quan trọng đối với tiến trình Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là yếu tố góp phần xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, minh bạch và quyết tâm cải cách pháp luật, cải cách tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện chủ trương hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp quốc tế (hòa giải, trọng tài) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế, tăng cường ký kết các điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài.
Cơ sở dữ liệu được đăng tải tại trang tin Pháp luật quốc tế, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Sau khi được công bố công khai, Cơ sở dữ liệu sẽ tiếp tục được cập nhật, xây dựng công cụ hiển thị và tìm kiếm thông tin. Đây sẽ là nguồn dữ liệu tin cậy để đánh giá hoạt động công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài, gợi ý về các kiến nghị cải thiện hoạt động này, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch tại Việt Nam.