Công bố kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL

Chiều 21-7, tại TP. Cần Thơ, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025.

Quanh cảnh hội nghị.

Quanh cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Thường trực UBND các tỉnh ĐBSCL…

Thời gian qua, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025 nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Điều này nhằm tạo cầu nối để doanh nghiệp (DN) các bên liên kết, hợp tác với nhau.

Trong năm 2023, TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối DN TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại.

Trong năm 2024 - 2025, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tập trung thực hiện hợp tác trên 5 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Cụ thể, về phát triển hạ tầng giao thông, các địa phương sẽ phối hợp Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai Dự án Mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời, phối hợp Bộ GTVT triển khai Dự án Đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL; tăng cường kết nối đường thủy TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL.

Trên lĩnh vực du lịch, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 2080/KH-UBND ngày 23-6-2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh về triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn năm 2021 - 2025.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời, tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Về hoạt động hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương sẽ tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai; hội thảo hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới, giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời, đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng; hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Trên lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các địa phương sẽ tổ chức các hội thảo về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính đến liên kết bền vững; xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng phục vụ hoạt động điều phối vùng; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Riêng lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động, các địa phương sẽ xây dựng Đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám, chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở; Đề án kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm; đào tạo nhân lực cho vùng; thực hiện chương trình kết nối, chia sẻ thông tin, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm.

Hội nghị được tổ chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng đã điểm qua những kết quả nổi bật trong hợp tác với TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trần Văn Dũng thống nhất và đánh giá cao vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong việc hợp tác với các tỉnh, thành ĐBSCL trong thời gian qua.

Sau hội nghị, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành nâng cao thêm vai trò hợp tác những chương trình trước đây. Đồng thời, tham mưu mở rộng thêm các chương trình hợp tác khác mà Tiền Giang có lợi thế mới.

Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202307/cong-bo-ke-hoach-hop-tac-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-giua-tp-ho-chi-minh-voi-cac-tinh-thanh-dbscl-985371/