Công bố kết quả đo kiểm dịch vụ viễn thông di động, 3G, 4G

Các chỉ số về hạ tầng là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ TT&TT đặt mục tiêu tăng tốc độ Internet Việt Nam để tiệm cận với chất lượng dịch vụ tại các nước đang phát triển.

Sáng 2/4, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông - TT&TT) đã tổ chức công bố chất lượng đo kiểm dịch vụ điện thoại và dịch vụ vụ truy cập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất trong Quý 4/2020 và Quý 1/2021.

Lần đo kiểm lần này có 4 doanh nghiệp tham gia là MobiFone, VNPT, Viettel và Vietnamobile. Kết quả đo kiểm bao gồm các nhóm chỉ tiêu về kỹ thuật và dịch vụ.

Buổi công bố chất lượng đo kiểm dịch vụ điện thoại và dịch vụ vụ truy cập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất trong Quý 4/2020 và Quý 1/2021. Ảnh: Trọng Đạt

Buổi công bố chất lượng đo kiểm dịch vụ điện thoại và dịch vụ vụ truy cập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất trong Quý 4/2020 và Quý 1/2021. Ảnh: Trọng Đạt

Kết quả đo kiểm dịch vụ di động

Đối với dịch vụ điện thoại di động, việc đo kiểm được Cục Viễn thông thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang.

Kết quả cho thấy, về độ sẵn sàng của mạng vô tuyến, tỷ lệ này đo được tại MobiFone là 100%, VNPT 99,99%, Viettel 100% và Vietnamobile 99,21%, cao hơn tiêu chuẩn (95%).

Đối với tỷ lệ cuộc gọi bị rơi, kết quả đo kiểm của MobiFone là 0,39%, VNPT 0,42%, Viettel 0,24%, Vietnamobile 0,09%, tốt hơn so với tiêu chuẩn (2%).

Kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ điện thoại di động tại Cần Thơ, Hậu Giang.

Kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ điện thoại di động tại Cần Thơ, Hậu Giang.

Về tỷ lệ cuộc gọi được thiết lập thành công, tỷ lệ này của MobiFone là 99,97%, VNPT 99,85%, Viettel 99,97%, Vietnamobile 100%, cao hơn tiêu chuẩn (98%).

Về số cuộc gọi có điểm chất lượng thoại lớn hơn hoặc bằng 3, tỷ lệ này của MobiFone là 99,85%, VNPT 99,82%, Viettel 99,94%, Vietnamobile 100%, cao hơn tiêu chuẩn (90%).

Bên cạnh đó, các chỉ số về tỷ lệ cuộc gọi bị ghi cước sai, tỷ lệ cuộc gọi bị tính cước sai, tỷ lệ thời gian đàm thoại bị ghi cước sai, tỷ lệ cuộc gọi bị lập hóa đơn sai đều ở trong mức quy chuẩn.

Theo nhận xét của Cục Viễn thông, Cần Thơ, Hậu Giang là 2 tỉnh có địa hình đồng bằng, ít bị che chắn nên các chỉ tiêu chất lượng của cả 4 doanh nghiệp đều tốt hơn nhiều so với quy chuẩn.

Kết quả đo kiểm dịch vụ 3G

Đối với dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng 3G, việc đo điểm được thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước.

Kết quả cho thấy, tốc độ tải xuống trung bình của 4 nhà mạng là MobiFone (15,57 Mbps), VNPT (12,25 Mbps), Viettel (20,51 Mbps), Vietnamobile (5,83 Mbps).

Tốc độ tải lên trung bình lần lượt là MobiFone (2,61 Mbps), VNPT (2,41 Mbps), Viettel (3,69 Mbps), Vietnamobile (2,46 Mbps).

Kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ 3G tại Tây Ninh, Bình Phước.

Kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ 3G tại Tây Ninh, Bình Phước.

Về độ sẵn sàng của mạng vô tuyến, tỷ lệ này đo được tại MobiFone là 99,3%, VNPT 99,58%, Viettel 99,8% và Vietnamobile 95,28%, cao hơn tiêu chuẩn (95%).

Đối với tỷ lệ truyền tải bị rơi và tỷ lệ truy nhập không thành công dịch vụ, kết quả đo kiểm của cả 4 nhà mạng đều ở mức 0%, tốt hơn so với tiêu chuẩn (5%).

Về thời gian trễ trung bình truy nhập dịch vụ, kết quả ghi nhận tại nhà mạng MobiFone là 4,26 giây, VNPT 3,79 giây, Viettel 3,84 giây, Vietnamobile 4,33 giây, thấp hơn tiêu chuẩn (10 giây).

Về số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tối thiểu mà các doanh nghiệp công bố, tỷ lệ này của MobiFone là 100%, VNPT 99,21%, Viettel 99,89%, Vietnamobile 99,54%, cao hơn tiêu chuẩn (95%).

Theo nhận xét của Cục Viễn thông, Chỉ tiêu “Độ sẵn sàng của mạng vô tuyến” của Vietnamobile tính trung bình trên cả hai địa bàn Tây Ninh và Bình Phước đạt yêu cầu của quy chuẩn. Tuy nhiên, riêng địa bàn tỉnh Bình Phước là 93,87% thấp hơn theo yêu cầu của quy chuẩn QCVN 81:2019/BTTTT (95%).

Các khu vực có vùng phủ sóng kém của Vietnamobile tập trung trên các địa bàn huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đốp của tỉnh Bình Phước, huyện Tân Châu và huyện Châu Thành của tỉnh Tây Ninh.

Kết quả đo kiểm dịch vụ 4G

Việc đo điểm dịch vụ Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 4G được thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Kết quả đo kiểm tại Thái Nguyên cho thấy, tốc độ tải xuống trung bình của 3 nhà mạng là MobiFone (34,79 Mbps), VNPT (26,19 Mbps), Viettel (62,92 Mbps).

Tốc độ tải lên trung bình lần lượt là MobiFone (25,18 Mbps), VNPT (29,4 Mbps), Viettel (24,31 Mbps).

Về độ sẵn sàng của mạng vô tuyến, tỷ lệ này đo được tại MobiFone là 97,35%, VNPT 98,45%, Viettel 98,88%, cao hơn tiêu chuẩn (95%).

Đối với tỷ lệ truyền tải bị rơi và tỷ lệ truy nhập không thành công dịch vụ, kết quả đo kiểm của cả 3 nhà mạng đều ở mức 0%, tốt hơn so với tiêu chuẩn (5%).

Kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ 4G tại Thái Nguyên.

Kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ 4G tại Thái Nguyên.

Về thời gian trễ trung bình truy nhập dịch vụ, kết quả ghi nhận tại nhà mạng MobiFone là 1,57 giây, VNPT 1,76 giây, Viettel 1,62 giây, thấp hơn tiêu chuẩn (10 giây).

Về số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tối thiểu mà các doanh nghiệp công bố, tỷ lệ này của MobiFone là 97%, VNPT 95,23%, Viettel 98,91%, cao hơn tiêu chuẩn (95%).

Kết quả đo kiểm tại Bắc Ninh cho thấy, tốc độ tải xuống trung bình của 3 nhà mạng là MobiFone (37,01 Mbps), VNPT (23,3 Mbps), Viettel (52,35 Mbps).

Tốc độ tải lên trung bình lần lượt là MobiFone (25,33 Mbps), VNPT (32,4 Mbps), Viettel (24,22 Mbps).

Kết quả đo kiểm dịch vụ 4G tại Bắc Ninh.

Kết quả đo kiểm dịch vụ 4G tại Bắc Ninh.

Về độ sẵn sàng của mạng vô tuyến, tỷ lệ này đo được tại MobiFone là 98,23%, VNPT 99,98%, Viettel 99,98%, cao hơn tiêu chuẩn (95%).

Đối với tỷ lệ truyền tải bị rơi và tỷ lệ truy nhập không thành công dịch vụ, kết quả đo kiểm của cả 3 nhà mạng đều ở mức 0%, tốt hơn so với tiêu chuẩn (5%).

Về thời gian trễ trung bình truy nhập dịch vụ, kết quả ghi nhận tại nhà mạng MobiFone là 1,65 giây, VNPT 1,79 giây, Viettel 1,72 giây, thấp hơn tiêu chuẩn (10 giây).

Về số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tối thiểu mà các doanh nghiệp công bố, tỷ lệ này của MobiFone là 98,8%, VNPT 95,1%, Viettel 98,69%, cao hơn tiêu chuẩn (95%).

Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đặt mục tiêu tăng tốc độ Internet Việt Nam để tiệm cận với chất lượng dịch vụ tại các nước đang phát triển. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đặt mục tiêu tăng tốc độ Internet Việt Nam để tiệm cận với chất lượng dịch vụ tại các nước đang phát triển. Ảnh: Trọng Đạt

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều nhà mạng có tâm lý ngại đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng do sợ tốn kém. Một vấn đề khác là các nhà mạng cảm thấy người dùng đã hài lòng với dịch vụ của mình rồi.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, tốc độ Internet di động tại Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, các chỉ số về hạ tầng là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do vậy, các nhà mạng cần nhìn rộng ra để ngày càng tối ưu hơn nữa chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở kết quả đo kiểm của Cục Viễn thông, các doanh nghiệp cần phân tích, tìm ra nguyên nhân kỹ thuật để cải thiện, nâng cao chất lượng mạng lưới.

Ông Lê Văn Tuấn cũng đề nghị các nhà mạng sớm công bố công khai tốc độ truy cập Internet trung bình trước ngày 15/4 tới. Cục Viễn thông sẽ tăng cường phối hợp với các Sở TT&TT để đo kiểm tại các địa phương. Mục tiêu của Bộ TT&TT là tăng tốc độ Internet Việt Nam lên trên mức trung bình và tiệm cận với chất lượng dịch vụ tại các nước đang phát triển.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/cong-bo-ket-qua-do-kiem-dich-vu-vien-thong-di-dong-3g-4g-724460.html