Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 6 luật vừa được Quốc hội thông qua
Chiều 2/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố về luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.
Bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí
Giới thiệu Luật Dầu khí năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho hay, Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Luật đã bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu; bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan; bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển.
Luật cũng bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu; tăng cường phân cấp cho Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí...
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, luật hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng tập trung vào các nhóm chính sách mới.
Luật đã tạo cơ chế cạnh tranh và tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn triển khai để các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư kinh doanh hoạt động viễn thông bằng việc xác định rõ băng tần dành cho thông tin di động được phân bổ, cấp quyền sử dụng thông qua cơ chế đấu giá, thi tuyển. Việc đấu giá, thi tuyển dựa trên các tiêu chí mức trả tiền cấp quyền sử dụng tần số và cam kết của doanh nghiệp về phát triển mạng viễn thông.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 để các tổ chức đào tạo có thời gian chuyển đổi đáp ứng đầy đủ các quy định theo luật.
Về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, luật được xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước.
Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Luật Thanh tra có 8 chương với 118 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật có những điểm mới cơ bản liên quan đến việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; việc thành lập thanh tra sở; về hoạt động thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; việc ban hành kết luận thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022.
Luật cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Việc thành lập các cơ quan thanh tra tổng cục, cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ.
Ngoài ra, luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Về Luật Phòng, chống rửa tiền, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, luật gồm 4 chương, 66 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023.
Luật có các nội dung mới cơ bản liên quan đến đối tượng báo cáo; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; quy định về đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…
Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời quy định cụ thể về lưu trữ, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.
Tại họp báo, liên quan đến việc triển khai Luật Phòng chống rửa tiền, ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, cho biết: Trong luật thông qua đã có quy định ứng xử với các lĩnh vực mới.
Trong đó khoản 3 điều 4 giao Chính phủ quy định những hoạt động mới có rủi ro về rửa tiền của các đối tượng báo cáo, sau khi có đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ. Trong điều 7 của luật cũng có nội dung Ngân hàng Nhà nước trong phần đánh giá rủi ro quốc gia sẽ cùng với các bộ, ngành đánh giá rủi ro về các hoạt động mới, phát sinh rủi ro về rửa tiền. Các biện pháp này trên cơ sở đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ sẽ có quy định các hoạt động có rủi ro về rửa tiền quản lý theo đúng quy định luật.
Đối với các hoạt động phòng, chống rủi ro về rửa tiền trong đó có hoạt động về chứng khoán, về bất động sản thì các nội dung từ nhận biết khách hàng, đối tượng báo cáo, xây dựng quy trình nội bộ đã được quy định cụ thể tại luật.
Ở các điều khoản về báo cáo dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đã có các quy định nêu rõ cụ thể từng dấu hiệu trong lĩnh vực đấy và đối tượng báo cáo phải thực hiện phân tích thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về thanh toán bất động sản thông qua ngân hàng, trong quy định 941 của Chính phủ thì sẽ xử lý vấn đề này trong Luật Kinh doanh bất động sản. Hiện Bộ Xây dựng đang tiến hành làm các bước để xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.