Công bố nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Hai nghị quyết vừa được công bố là Nghị quyết số 07/2021/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Nghị quyết số 08/2021/NQ-UBTVQH15 giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự.
Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa công bố hai nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua tại phiên họp thứ 5. Đó là Nghị quyết số 07/2021/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Nghị quyết số 08/2021/NQ-UBTVQH15 giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự.
Theo Nghị quyết số 07/2021/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).
Quốc hội phân công Chính phủ trình; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra.
Theo Nghị quyết số 08/2021/NQ-UBTVQH15, khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) được giải thích như sau: “Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh”.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 1 năm 2022; được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.