Công bố nguyên nhân khiến hơn 400 công nhân bị ngộ độc ở Vĩnh Phúc
Ngày 21/5, ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả kiểm nghiệm xác định nguyên nhân khiến hơn 400 người bị ngộ độc ở Vĩnh Phúc là do vi khuẩn Bacillus cereus có trong mẫu thức ăn với món nghi ngộ độc là canh chua giá đỗ.
Thông tin tại “Hội nghị toàn quốc hội tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm” do Bộ Y tế tổ chức, ông Lê Hồng Trung cho biết, sáng 21/5 đã có kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam phải nhập viện và điều trị.
Theo kết quả kiểm nghiệm, phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu thức ăn, một trong những tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm.
Kết quả được tổng hợp từ các nhóm được làm xét nghiệm như: nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước, môi trường, chất thải của bệnh nhân. Loại vi khuẩn này có 2 độc tố chính gây nôn và tiêu chảy. Dựa trên các triệu chứng của nạn nhân bị ngộ độc, ngành y tế xác định món ăn nghi gây ngộ độc là món canh chua giá đỗ, với các thành phần chính: giá đỗ, quả chua me, hành lá, mùi ta.
Kết quả điều tra xác định, bữa ăn trưa ngày 14/5 gồm thực đơn: gà xào sả ớt, súp lơ xào chả, dưa cải muối, canh chua giá đỗ, cơm…
Trong quá trình chế biến bị thiếu 6kg giá đỗ nên nhân viên bếp ăn đã mua thêm tại chợ Vĩnh Yên cho đủ số lượng. Đơn vị cung cấp rau cho bếp ăn có đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nhân viên bếp ăn mua rau ở chợ mà không qua nhà cung cấp. Đây là “lỗ hổng” về quy trình chế biến bếp ăn tập thể, hiện cơ quan chức năng của tỉnh vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông tin về kết quả điều tra, nhiều thực phẩm được bếp ăn tập thể mua ở đơn vị cung cấp, nhưng truy xuất nguồn gốc đơn vị cung cấp này lại mua ở chợ dân sinh không có giấy phép kinh doanh, không có hợp đồng, phiếu giao nhận thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thẳng thắn chỉ rõ bất cập về quản lý quy trình chế biến bếp ăn tập thể, thực tế có hiện tượng nhiều cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm được kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.
Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đơn vị bếp ăn tập thể cần quản lý chặt chẽ khâu truy xuất thực phẩm; giám sát chặt chẽ thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tuyến cơ sở; đồng thời cần phải kiểm tra thường xuyên, thực hiện việc lưu mẫu và kiểm định .
Trước đó, sau khi dùng bữa trưa ngày 14/5, hơn 400 công nhân Công ty Shinwon Ebenezer Việt Nam xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, biểu hiện ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, điều trị.
Nhờ tinh thần vào cuộc quyết liệt của ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, xuất viện và không có trường hợp nào tử vong.
Sau khi Cục An toàn thực phẩm có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đình chỉ hoạt động bếp ăn tập thể, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam đã ký với đơn vị mới để phục vụ bữa ăn cho công nhân cũng như khắc phục các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.