Công bố PCI 2024: Bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh

PCI 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào chính quyền địa phương vẫn được giữ vững…

Báo cáo PCI 2024 cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Ảnh minh họa.

Báo cáo PCI 2024 cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Ảnh minh họa.

Ngày 6/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI 2024), đồng thời đánh dấu 20 năm hành trình liên tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

HẢI PHÒNG LẦN ĐẦU TIÊN VƯƠN LÊN VỊ TRÍ DẪN ĐẦU

Năm 2024, báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm, ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đặc biệt, chỉ số PCI gốc (chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi) đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả PCI 2024 cho thấy Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm. Đây là minh chứng thuyết phục cho những thành công của Hải Phòng trong nhiều năm qua trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư.

Thứ hạng cao của Hải Phòng trong báo cáo PCI 2024 phản ánh nỗ lực chung nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, với các sáng kiến chính bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư...

Những cải cách này góp phần cải thiện ở các lĩnh vực của chỉ số PCI của Hải Phòng khi có tới 7/10 lĩnh vực điều hành của TP. Hải Phòng có sự cải thiện so với năm 2023, bao gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Bước chuyển mạnh mẽ của TP. Hải Phòng trong PCI 2024 đến từ quá trình nỗ lực cải cách liên tục, khi thành phố này trước đó liên tục 3 năm (2021, 2022 và 2023) nằm trong nhóm 5 tỉnh có điểm số PCI cao nhất của Việt Nam.

Đứng thứ hai trong PCI 2024 là tỉnh Quảng Ninh, với 73,20 điểm, tăng 1,95 điểm so với điểm số PCI 2023. Quảng Ninh duy trì được sự cải thiện của 5/10 lĩnh vực điều hành đo lường bởi PCI, bao gồm: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đây là năm thứ 12 Quảng Ninh liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI, kể từ năm 2013.

3 tỉnh tiếp theo nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2024 là Long An, Bắc Giang và Bà Rịa Vũng Tàu. Đây đều là những tỉnh có chất lượng điều hành tốt trong thời gian gần đây. Long An và Bắc Giang có 3 năm liên tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất, còn Bà Rịa Vũng Tàu liên tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có điểm số PCI cao nhất từ năm 2021.

5 tỉnh, thành phố còn lại trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2024 bao gồm TP. Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và Hưng Yên. Hầu hết các tỉnh, thành phố khác đều từng xuất hiện nhiều năm, đặc biệt Đồng Tháp ghi kỷ lục 18 năm liên tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có kết quả PCI cao nhất. Hưng Yên lần đầu tiên bước vào TOP 10, song tỉnh này từng đứng ở vị trí 12 trong PCI 2023 và 14 trong PCI 2022.

Trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có kết quả PCI tốt nhất năm 2024, có sự xuất hiện của một số địa phương có bước chuyển đáng chú ý. Trong đó, nổi bật là Hà Nam, ở vị trí 22 - kết quả tốt nhất từ trước tới nay của tỉnh. Thái Bình cũng trở lại TOP 30 trong PCI 2024, sau lần gần nhất năm 2022, với các chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực: tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024. Nguồn: PCI 2024.

Nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024. Nguồn: PCI 2024.

Một điểm đáng chú ý khác là các thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ, đều có tên trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024 và điểm số của những địa phương này đều có sự cải thiện so với PCI 2023, dù mức độ cải thiện có khác nhau.

Đặc biệt, trong 20 năm qua 3 tỉnh có tốc độ cải cách mạnh mẽ nhất gồm Long An, Bắc Giang và Thanh Hóa.

PCI TIẾP TỤC LÀ ĐỘNG LỰC CẢI CÁCH TRONG BỐI CẢNH MỚI

Phát biểu tại lễ công bố, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho rằng đằng sau những con số trên là câu chuyện của sự chuyển mình, của nỗ lực và sáng tạo. Đó là hành trình mà PCI đã đồng hành cùng các địa phương để thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hành động vì sự phát triển bền vững và bao trùm.

“PCI không chỉ đơn thuần là một bảng xếp hạng. Đó là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương, là nơi doanh nghiệp được nói lên tiếng nói thẳng thắn từ thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe và hành động”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, phát biểu tại lễ công bố.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, phát biểu tại lễ công bố.

PCI đã đồng hành cùng rất nhiều mô hình cải cách từ chính quyền cấp tỉnh trong suốt thời gian qua như: mô hình một cửa trong gia nhập thị trường, trung tâm hành chính công tập trung, cafe doanh nhân, mô hình đánh giá chính quyền cấp sở ngành, quận huyện DDCI… Những cải thiện đáng ghi nhận về gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, chất lượng lao động, thủ tục hành chính… trong suốt 20 năm qua là minh chứng rõ nét cho sức sống và tác động tích cực của PCI.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng chúng ta đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi đầy khát vọng, khi Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và duy trì hai con số trong các năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, PCI không chỉ là một công cụ đo lường chất lượng điều hành, mà còn là nền tảng quan trọng của chương trình tăng trưởng kinh tế cao.

PCI đóng vai trò như một radar chính sách, giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng. Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định về vai trò của kinh tế tư nhân cần trở thành “đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, PCI sẽ tiếp tục trở thành nguồn dữ liệu thực tiễn quý giá để hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, vươn tầm khu vực và toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta.

PCI 2024 cũng là lần công bố thứ 20 của VCCI và là lần cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết của Trung ương chính thức được triển khai từ nửa cuối năm 2025. Đây là một thời điểm đặc biệt, khép lại một chu kỳ 20 năm cải cách bền bỉ, đồng thời mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên phát triển mới – nơi mà hiệu quả điều hành và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng.

Với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương còn 2 cấp và tổ chức lại các sở, ngành của các địa phương, thời gian tới việc cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh sẽ có nhiều cơ hội và thách thức mới.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-bo-pci-2024-buc-tranh-tich-cuc-ve-cai-thien-dieu-hanh-kinh-te-cap-tinh.htm