Công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cấp 8 hồ chứa lớn ứng phó với hạn hán, thiếu nước
Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 847/QĐ-TTg. Mục tiêu chung là bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển của các quốc gia thượng nguồn.
Theo đó, phạm vi của quy hoạch bao gồm toàn bộ phần diện tích đất liền và các huyện đảo có đông dân cư, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh như: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch, Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT): Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, cấp và tạo nguồn cấp nước cho nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế... Cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất bảo đảm 85%, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng bảo đảm 85-90%, đối với các vùng khó khăn về nguồn nước (miền núi, biên giới, hải đảo, ven biển) bảo đảm 75-85%. Cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con; cấp nước, thoát nước chủ động cho 1,35 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh, tập trung.
Về tiêu, thoát nước, bảo đảm tiêu, thoát nước qua công trình thủy lợi cho khoảng 3,5 triệu ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản, diện tích đất đô thị, công nghiệp. Cùng với đó, bảo đảm khả năng chống ngập, lụt, phòng, chống thiên tai. Đồng thời bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi và chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, nâng cấp 8 hồ chứa lớn, tổng dung tích tăng thêm 360 triệu m3.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm bởi quy hoạch thủy lợi phải đi trước để làm căn cứ, cơ sở để xây dựng quy hoạch các ngành kinh tế, phục vụ xã hội, dân sinh, phát triển bền vững của nước ta; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường...
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu Cục Thủy lợi cần khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Không dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre chống hạn mặn
Liên quan đến kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn, Đồng Nai về tỉnh Bến Tre chống hạn mặn, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Bến Tre đang được đầu tư nhiều công trình thủy lợi, sẽ có đủ nước ngọt tại chỗ mà không cần dẫn từ sông Sài Gòn, Đồng Nai.
Theo ông Hiệp, vấn đề dẫn nước ngọt về Tiền Giang, Bến Tre cơ quan này đã nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên, việc dẫn nước từ sông Đồng Nai, Sài Gòn về Bến Tre thời điểm này không thực hiện được, từ tình hình thực tế lẫn kỹ thuật: Lưu vực sông Đồng Nai dù đã có hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang thiếu 5 tỷ m3 nước mỗi năm. Bộ vẫn đang nghiên cứu, tính toán các giải pháp để dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho khu vực TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Hiện, địa bàn Bến Tre được đầu tư nhiều dự án công trình thủy lợi quy mô. Theo đó, ở phía bắc, Bộ NN&PTNT đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre (dự án JICA 3), đến hết năm 2025 sẽ cơ bản xong, các cống lớn như Bến Tre, Thủ Cửu sẽ đi vào hoạt động. Ở nam Bến Tre, Bộ cũng sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để làm cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong. "Tại Bến Tre đang có đủ các giải pháp để đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, không cần phải chuyển nước từ nơi khác về", ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, những năm gần đây hạn mặn đến sớm, kéo dài hơn và ngày càng khốc liệt. Tại Đồng bằng sông Cửu Long có 2 tỉnh chịu ảnh hưởng hạn mặn nhiều nhất là Bến Tre và Cà Mau. Riêng Cà Mau có đặc thù khác các địa phương khác, ngoài nước mưa tích trữ tại chỗ hiện không có nguồn nước nào khác bổ sung, nên chắc chắn sẽ phải dẫn nước từ nơi khác về.
Bộ NN&PTNT đang tính toán chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé qua kênh Chắc Băng (tỉnh Kiên Giang), và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp để cung cấp nước ngọt cho khu vực bắc và nam Cà Mau, giai đoạn 2026-2030.
"Nếu dẫn nước về Cà Mau, việc đầu tiên là cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, vì chi phí rất cao, nếu cấy lúa thì không biết bao giờ thu hồi lại được vốn", ông Hiệp thông tin.
Trước đó, 2 tỉnh Cà Mau và Bến Tre đã đề xuất Bộ NN&PTNT dẫn nước từ các sông Hậu, Sài Gòn, Đồng Nai về địa phương để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước trong mùa khô.