Công bố quy hoạch tỉnh Hà Giang: Nhiều bứt phá có tác động lan tỏa từ vùng 'phên dậu'của Tổ quốc
Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã thể hiện sự bứt phá, có tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế không những của Hà Giang mà cho các địa phương trong vùng cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển…
Nhiều điểm nổi bật…
Ngày 18/02, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch (QH) tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hà Giang được biết đến là một địa phương cửa ngõ phía Bắc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu” của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước. Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song Hà Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch…
Xác định được tầm quan trọng của QH trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, vượt khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QH tỉnh Hà Giang tại Quyết định 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023.
Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khái quát bốn điểm nổi bật trong QH tỉnh Hà Giang. Đó là: Thể hiện được tư tưởng đổi mới, với tư duy, tầm nhìn chiến lược và đầy khát vọng hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững; Hướng tới mục tiêu phát triển hướng tới xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%; Cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết11-NQ/TW về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm QPAN vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng việc tăng cường công tác giữ đất, giữ rừng, giữ dân; củng cố QPAN, đối ngoại; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Đặc biệt, QH tỉnh Hà Giang đã thể hiện sự bứt phá, có tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo ra tiềm năng mới, không gian mới, động lực mới và các giá trị mới. Đó là, QH tỉnh Hà Giang thể hiện rõ định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa. “Điều này có ý nghĩa không chỉ giúp Hà Giang bứt phá, phát triển mà Hà Giang còn có sứ mệnh kết nối cho các địa phương trong vùng cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển…”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, QH tỉnh Hà Giang còn thể hiện mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt và hấp dẫn; Phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao (với 2 định hướng: Đảm bảo về an ninh lương thực, thực phẩm; Thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu, chất lượng); Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao.
Triển khai quy hoạch để mở đường cho phát triển…
Theo Tư lệnh ngành KH&ĐT, mặc dù, QH tỉnh Hà Giang đã được phê duyệt nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện QH là vô cùng quan trọng và còn nhiều thách thức, khó khăn; đồng thời đây cũng chính là cơ hội quý để mở đường cho Hà Giang phát triển.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hà Giang cần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực KTXH, bảo đảm QPAN. Đặc biệt, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng.
“Vấn đề quan trọng là phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện. Tỉnh phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, kết hợp với sự huy động các nguồn lực từ nội sinh; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua việc quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư để thực hiện QH…”- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời lưu ý, trong quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, các tài nguyên, nhất là đất đai. Chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá; xác định có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các công trình có tính chất chiến lược, các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn và có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển KTXH.
Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững; trước hết tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 1 từ Tuyên Quang – Tân Quang (Bắc Quang); đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được nghiên cứu chuẩn bị dự án giai đoạn 2 từ Tân Quang – Tp Hà Giang và cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.
Ngoài ra, các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông kết hợp đô thị, hạ tầng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp), hạ tầng xã hội, công nghệ thông tin cấp thiết, các dự án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo, đảm bảo QPAN…; Các dự án, công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế rừng.
Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Giang khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện QH, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong QH. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các QH chi tiết, các QH kỹ thuật chuyên ngành theo quy định, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với QH tỉnh.
Đặc biệt, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển. Trong đó, chú trọng việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của Hà Giang; phát triển con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung cải cách hành chính; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Theo Bộ KH&ĐT, đến nay, công tác lập QH thuộc hệ thống QH quốc gia cơ bản đã hoàn thành; hiện có 60/63 QH tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong, trong đó có 55/63 QH tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác tổ chức thực hiện QH đã có một số kết quả nổi bật bước đầu, như góp phần tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh việc xây dựng các hạ tầng khung quốc gia, nhất là hệ thống đường cao tốc, và hỗ trợ phát triển KTXH trong năm 2023 và các năm tiếp theo.