Công bố quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Sáng 23/1, Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo; dự hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo tỉnh, các cấp ngành và trực tuyến đến các huyện, xã trong tỉnh Lai Châu
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm phía tây bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh-quốc phòng. Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà.
Với diện tích tự nhiên 9.068,78km2, lớn thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, dân số hơn 489 nghìn người, Lai Châu là cửa ngõ nối vùng tây bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với 265,165km đường biên giới. Phía đông và đông nam giáp tỉnh Lào Cai, Yên Bái; Phía tây và tây nam giáp tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch lớn Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ; gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và đường thủy sông Đà.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng Quy hoạch tỉnh. Ngày 7/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1585/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của tỉnh, khẳng định khát vọng, tầm nhìn đột phá chiến lược, động lực phát triển và việc đổi mới tư duy với những nội dung trọng tâm bao gồm: quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển; định hướng phát triển các ngành quan trọng, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng, kiến tạo không gian phát triển, đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường, tạo ra khung hành lang pháp lý quan trọng để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển.
Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được thực hiện với các quan điểm: Phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi phía bắc. Mục tiêu phát triển đến năm 2030: Nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía bắc.
Đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Quy hoạch tỉnh Lai Châu định hướng phát triển theo trọng tâm “một trục - hai vùng - ba trụ cột - bốn khâu đột phá”.
Một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo các Quốc lộ 32-Quốc lộ 4D-Quốc lộ 12 nối đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai qua Quốc lộ 279, kết nối huyện Than Uyên-huyện Tân Uyên-huyện Tam Đường-thành phố Lai Châu-huyện Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.
Hai vùng kinh tế của tỉnh Lai Châu gồm: Vùng kinh tế động lực và vùng kinh tế nông-lâm sinh thái sông Đà.
Vùng kinh tế động lực được hình thành theo trục dọc gồm các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ và thành phố Lai Châu; định hướng phát triển của vùng tập trung phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa cộng đồng; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến đất hiếm; phát triển đô thị, kinh tế biên mậu.
Vùng kinh tế nông-lâm sinh thái sông Đà gồm các huyện biên giới Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè; định hướng phát triển của vùng tập trung vào bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc-ca, cao-su, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng, trong đó ưu tiên phát triển sâm Lai Châu, cho thuê dịch vụ môi trường rừng và phát triển các sản phẩm đặc hữu.
Ba trụ cột phát triển kinh tế gồm: kinh tế dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.
Về kinh tế dịch vụ, tập trung vào phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu.
Về phát triển công nghiệp, tập trung vào công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản.
Về phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, dựa vào các sản phẩm nông, lâm sản có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
Quy hoạch tỉnh Lai Châu đã xác định bốn khâu đột phá gồm:
Về kết cấu hạ tầng, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hạ tầng du lịch, nông nghiệp, đô thị để thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin.
Về hoàn thiện thể chế là đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, sáng tạo, làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào việc thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, con người Lai Châu.
Về khoa học công nghệ, tập trung tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Quy hoạch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện tính đột phá, tầm nhìn chiến lược trong từng nội dung. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh được phê duyệt, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; các quy hoạch có tính chất chuyên ngành sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới để bảo đảm thống nhất, khoa học, bền vững làm căn cứ để huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của quy hoạch bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo để xây dựng và phát triển tỉnh Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lai Châu đạt được trong chặng đường qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ở Lai Châu để phát triển đô thị, các khu công nghiệp, vùng nông nghiệp quy mô lớn như ở xuôi rất khó khăn. Do vậy, tỉnh cần tính toán tìm ra đặc điểm riêng, giá trị riêng để đô thị ở đây trở thành đô thị “phố núi”. Quy hoạch của tỉnh chỉ như định hướng mang tính chiến lược, thực tế có thể chưa là quy hoạch đủ chi tiết mang tính hoạch định quốc gia; chưa đặt vào kết nối trong quy hoạch liên tỉnh, quy hoạch vùng trung du miền núi phía bắc và chưa được nhìn nhận trong mối quan hệ quy hoạch vùng với quy hoạch vùng khác. Một bài toán đặt ra chúng ta cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, nên làm cái gì trước cái gì sau, tư duy kết nối liên tỉnh và giữa vùng trung du miền núi phía bắc với các vùng khác phải có lộ trình thống nhất. Trong vấn đề kết nối cần rà soát quy hoạch vùng để xác định cái gì mở ra trước. Do vậy, Lai Châu nên kết nối và tận dụng vấn đề này để phát triển.
Cùng với đó, Lai Châu cần bám sát với Bộ Xây dựng trong việc quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, có phân vùng đô thị nông thôn một cách hợp lý, tỉnh coi phát triển đô thị gắn với chuyển đổi sang kinh tế đô thị; tỉnh xem xét xây dựng thành phố Lai Châu trở thành loại 2 thậm chí loại 1 trong tương lai, nhưng không nhất thiết phải lấy một số chỉ số mang tính chất về diện tích, dân số. Phát triển đô thị phải có lộ trình từ phát triển các ngành nghề mũi nhọn, cộng thêm nhiệm vụ giữ gìn màu xanh, nguồn sinh thủy, biên cương để phát triển. Sớm xây dựng mạng lưới đô thị nông thôn Lai Châu, dựa vào cảnh quan để duy trì tiềm năng riêng biệt đô thị. Lai Châu cần có tiếng nói với các địa phương khác trong vùng để ưu tiên phát triển một số tuyến giao thông, giao thông là vấn đề quyết định lớn sự phát triển của tỉnh Lai Châu.
Tỉnh chú trọng xây dựng một số sản phẩm đặc trưng theo tiềm năng được đánh thức bởi giao thông; quan tâm các cây có đặc tính vùng bản địa để phát nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp du lịch.
Đặc biệt, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm, nên tỉnh cần quản lý tốt tránh khai thác tùy tiện xuất khẩu thô, nên đầu tư ngành công nghiệp chế biến sâu tạo thành phẩm. Tỉnh quan tâm giữ màu xanh của rừng để tạo đà cho phát triển du lịch, dược liệu và thủy điện. Con người Lai Châu nếu để thiếu rừng sẽ mất đi nguồn nước, vì vậy phải giữ rừng để giữ nguồn nước và giữ thu nhập, có cơ chế dịch vụ rừng thông qua thu dịch vụ môi trường rừng.
Dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác đã trao 200 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín, công nhân lao động tỉnh Lai Châu.