Công bố quyết định và ra mắt Ngân hàng Nhà nước khu vực 12

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố Quyết định và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Các nhân sự mới Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12. (Ảnh: Vietnam+)

Các nhân sự mới Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 01/4/2025, tại Đồng Nai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 và Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 12.”

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Trụ sở Ngân hàng Nhà nước khu vực đặt tại tỉnh Đồng Nai.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quyết định điều động và bổ nhiệm nhân sự Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12. Ông Tạ Thành Long giữ chức vụ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 12; các Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 bao gồm ông Trần Thiên Trí, bà Lâm Thị Hồng Ngọc, ông Võ Đình Phong, ông Phạm Quốc Bảo và ông Nguyễn Đình Thanh.

Hiện trên địa bàn Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 có 227 Chi nhánh ngân hàng cấp 1 (của 47 ngân hàng); 790 chi nhánh cấp 2 và phòng giao dịch trực thuộc; 73 Quỹ tín dụng nhân dân, 08 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô CEP, 02 Chi nhánh và 06 văn phòng đại diện công ty tài chính.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng số công chức, người lao động Khu vực 12 trước sắp xếp là 197 người, trong đó lãnh đạo, quản lý là 25 người.

Khu vực 12 thuộc vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế năng động của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm.

Ngoài ra, nhiều dự án lớn trong khu vực cũng tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự chuyển mình toàn diện cho phát triển kinh tế như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng để thu hút vốn huy động cũng như khả năng tăng quy mô dư nợ tín dụng trong thời gian tới.

Trong năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn khu vực đã chủ động tổ chức cũng như tham gia 21 hội nghị, buổi làm việc chính thức với khách hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn 5 tỉnh. Kết quả, đã giải ngân cho 1.059 khách hàng, dư nợ cho vay từ chương trình đến thời điểm 31/12/2024 đạt 57.273 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,86% dư nợ tín dụng cuối năm 2024 của khu vực.

Hệ thống Ngân hàng chính sách trên địa bàn khu vực hiện đang thực hiện cấp tín dụng cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách theo 21 chương trình tín dụng. Tại thời điểm 28/2/2025, dư nợ cho vay tại hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội tại khu vực đạt 25.470 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung chính như: Kết quả hoạt động tín dụng chung trên cả nước và tín dụng trên địa bàn khu vực 12 những tháng đầu năm 2025, trong đó có tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, một số chương trình tín dụng; chính sách lãi suất cho vay; khả năng mở rộng tín dụng có hiệu quả trong năm 2025 góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; các khó khăn, vướng mắc; định hướng về hoạt động tín dụng trong thời gian tới...

Bên cạnh các giải pháp trên, ngành Ngân hàng cần sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, các Hội, hiệp hội liên quan trên địa bàn Khu vực 12 để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp của Khu vực ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-quyet-dinh-va-ra-mat-ngan-hang-nha-nuoc-khu-vuc-12-post1024135.vnp