Công bố thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP Hồ Chí Minh
Sáng 31/12, tại UBND quận 2, TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.
TP Thủ Đức có 34 phường
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao cho lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận mà còn là cột mốc phát triển của TP Hồ Chí Minh…
TP Thủ Đức cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo, thu hút đầu tư, trở thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao, đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, phát triển khoa học, công nghệ cao, tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, sắp xếp cán bộ dôi dư".
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, TP Thủ Đức đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng để trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0. Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại như vậy, với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, là thành phố thông minh tạo sự tương tác cao... TP Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế…
Theo tinh thần Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Thủ Đức như sau: Nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông; quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh.
Thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người.
Phường An Khánh giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; quận 7 và quận Bình Thạnh.
Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở - ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính… Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Cần 20 năm để hoàn thành xây dựng TP Thủ Đức
Theo dự thảo Đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông (TP Thủ Đức) giai đoạn 2020 - 2035 do Sở Quy hoạch - kiến trúc xây dựng trình UBND TP, trong giai đoạn 2020 - 2025 nhu cầu vốn nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển là hơn 41.660 tỷ đồng.
Nguồn vốn này bao gồm vốn ngân sách và vốn đi vay hoặc phát hành trái phiếu. Trong đó, khoản chi cho xây dựng hạ tầng giao thông là 30.000 tỷ đồng, đầu tư chống ngập 6.400 tỷ đồng và 4.400 tỷ đồng đầu tư cho chuyển đổi số… Nhu cầu về vốn trong các giai đoạn tiếp theo sẽ được nghiên cứu, tính toán theo từng thời điểm cho phù hợp với các kết quả đạt được trong giai đoạn 2020 - 2025 và mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đề án, trong 5 năm đầu tiên này, TP Thủ Đức sẽ có tỷ trọng GDP tăng trưởng 100%, số lượng phát minh sáng chế tăng trưởng 100%, có 500.000m2 sàn văn phòng hạng A, tăng 50% diện tích sàn các công trình giáo dục so với hiện nay và có 20.000 công việc trình độ cử nhân, kỹ sư trở lên.
Cũng theo Đề án, quá trình phát triển TP Thủ Đức chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, khởi tạo (2020 – 2022), giai đoạn 2 triển khai (2023 - 2030), giai đoạn 3, hoàn thiện (2030 - 2040).
Giai đoạn 1: thành lập cơ quan quản lý - chính quyền đô thị; dự thảo cơ chế đặc thù - cơ chế phối hợp, hợp tác, cộng tác; xây dựng các bộ tiêu chí và công cụ quản lý; xây dựng dự án: thí điểm - ngắn hạn - trung hạn - dài hạn; tạo quỹ đất và kế hoạch sử dụng đất…Diện tích phát triển trong giai đoạn đầu là 100ha. Tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia.
Giai đoạn 2: Diện tích phát triển khoảng 500ha, trong đó diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 150ha.
Giai đoạn 3: Chiến lược đầu tư mở rộng đối với tất cả các nhóm ngành kinh tế, đẩy mạnh phát triển đối với nhóm ngành ưu tiên (đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2), xây dựng chính sách lan tỏa phát triển toàn khu vực phía đông TP và vùng phụ cận trên địa bàn TP.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cong-bo-thanh-lap-tp-thu-duc-truc-thuoc-tp-ho-chi-minh-405769.html