Công bố thông tin song ngữ: Bước đột phá chiến lược của thị trường chứng khoán Việt Nam

Với việc ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh từ năm 2025, cơ quan quản lý đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Sự minh bạch, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế sẽ là kim chỉ nam để thị trường chứng khoán phát triển.

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho biết, quy định về công bố thông tin song ngữ Việt – Anh đối với công ty đại chúng không chỉ là một bước tiến chiến lược nhằm nâng cao tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp mà còn là tiền đề để biến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi).

Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi).

Phóng viên: Quy định về ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, buộc các công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh từ năm 2025 sẽ có sự tác động nào đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huy: Tôi cho rằng, quy định này đặt nền móng cho một tầm nhìn dài hạn: Xây dựng một thị trường chứng khoán không chỉ minh bạch, hiệu quả mà còn đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, mở ra cơ hội đưa Việt Nam lên bản đồ tài chính toàn cầu trong vòng 10-20 năm tới.

Ngôn ngữ là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tiếng Anh, với vai trò là ngôn ngữ quốc tế, không chỉ mở rộng cánh cửa tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài mà còn là công cụ quan trọng để minh bạch hóa thông tin.

Việc công bố thông tin song ngữ mang lại những tác động dài hạn tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, gia tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam do rào cản ngôn ngữ. Khi thông tin được công bố đồng thời bằng tiếng Anh, họ sẽ dễ dàng phân tích và ra quyết định đầu tư.

Thứ hai, thu hút dòng vốn chất lượng cao. Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh phù hợp với yêu cầu của các quỹ đầu tư lớn, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn dài hạn, ổn định từ các nguồn đầu tư chất lượng cao, thay vì chỉ dựa vào dòng vốn ngắn hạn.

Thứ ba, đặt nền tảng nâng hạng thị trường. Minh bạch và công bố thông tin song ngữ là điều kiện tiên quyết để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi (Emerging Markets) theo tiêu chí của MSCI hoặc FTSE Russell.

Thứ tư, cạnh tranh với các trung tâm tài chính lớn. Việt Nam có tiềm năng cạnh tranh với những thị trường chứng khoán hàng đầu trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải và Hàn Quốc. Việc công bố thông tin song ngữ không chỉ giúp Việt Nam hội nhập mà còn từng bước định hình như một trung tâm tài chính hấp dẫn trong khu vực ASEAN và châu Á.

Phóng viên: Đối với chính doanh nghiệp, họ sẽ có những lợi ích và thách thức gì trong quá trình triển khai công bố thông tin song ngữ Việt - Anh, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huy: Việc thực hiện công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh là một bước đi quan trọng đối với chính doanh nghiệp. Lợi ích thì rất rõ ràng. Như đã nói, công bố thông tin bằng tiếng Anh mở ra cánh cửa tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức quốc tế. Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng khả năng huy động vốn và nâng cao giá trị thương hiệu.

Khi thông tin được công bố rõ ràng, minh bạch và nhất quán, doanh nghiệp sẽ xây dựng được niềm tin với cổ đông và nhà đầu tư. Điều này không chỉ cải thiện hình ảnh mà còn giúp doanh nghiệp đạt được định giá cao hơn trên thị trường. Thông qua việc công bố thông tin song ngữ, doanh nghiệp từng bước làm quen với các tiêu chuẩn quốc tế như Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, quá trình triển khai sẽ đặt ra không ít thách thức, rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là doanh nghiệp sẽ phải gia tăng chi phí thuê nhân sự dịch thuật chuyên môn cao hoặc sử dụng các dịch vụ dịch thuật uy tín. Điều này không dễ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có nguồn lực hạn chế.

Ngoài ra, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cũng là một bài toán cần lời giải của doanh nghiệp. Vì dịch thuật trong lĩnh vực tài chính và chứng khoán đòi hỏi sự chính xác cao, điều mà đội ngũ nhân sự hiện tại của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Nếu không chuyên nghiệp, dễ dẫn đến rủi ro pháp lý từ sai sót. Bản dịch tiếng Anh không chính xác hoặc không nhất quán với bản gốc tiếng Việt, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro pháp lý, gây tổn hại đến uy tín và lòng tin của nhà đầu tư.

Nhưng phải hiểu thế này, lợi ích vẫn là dài hạn và bền vững, còn những khó khăn, thách thức trên chỉ mang tính ngắn hạn.

Phóng viên: Theo ông, Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ kinh nghiệm của các nước khác đã triển khai chính sách tương tự?

Ông Nguyễn Quang Huy: Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới để triển khai hiệu quả việc công bố thông tin song ngữ. Tôi có thể ví dụ về Singapore. Là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, Singapore đã áp dụng việc công bố thông tin bằng tiếng Anh như một tiêu chuẩn bắt buộc. Chính phủ nước này hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách ban hành các hướng dẫn chi tiết, thiết lập hệ thống công bố thông tin trực tuyến và tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp.

Hay như Hong Kong (Trung Quốc), thị trường này đã xây dựng hệ thống công bố thông tin bằng tiếng Anh từ rất sớm, đi kèm với các quy định chặt chẽ về chất lượng bản dịch. Đồng thời, chính quyền địa phương đầu tư mạnh vào công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp.

Phóng viên: Vậy ông có đề xuất gì để các cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định này?

Ông Nguyễn Quang Huy: Để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt quy định công bố thông tin song ngữ, theo tôi, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp hỗ trợ như ban hành quy chuẩn và hướng dẫn về công bố thông tin song ngữ, bao gồm cấu trúc, nội dung và hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ.

Cần tổ chức các khóa đào tạo về dịch thuật tài chính và công bố thông tin cho doanh nghiệp, kết hợp với các trường đại học và tổ chức chuyên môn. Xây dựng các nền tảng trực tuyến hỗ trợ công bố thông tin song ngữ, sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra chất lượng bản dịch và tự động hóa quy trình.

Trong giai đoạn đầu triển khai, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần chi phí dịch thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp giảm gánh nặng tài chính.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cong-bo-thong-tin-song-ngu-buoc-dot-pha-chien-luoc-cua-thi-truong-chung-khoan-viet-nam.html?source=cat-76