Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn một số xã, bản huyện Mường La và Bắc Yên
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, sạt lở đất trên địa bàn các xã Mường Bú, Ngọc Chiến, Pi Toong, Tạ Bú, huyện Mường La và bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên.
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (YAGI) năm 2024, từ đêm 6/9 đến ngày 11/9, huyện Mường La có mưa to đến rất to và giông mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80 - 335mm, có nơi rất cao như: Pú Dảnh 630,4mm, Ngọc Chiến 503,8 mm. Mưa lớn, sạt lở đất làm 1 người mất tích, khoảng 90 nhà thiệt hại, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nghiệm trọng.
Tại bản Ngậm xã Song Pe, huyện Bắc Yên, từ năm 2018 tại khu vực đất đồi phía trên khu dân cư đã xuất hiện các vết nứt gây nguy cơ trượt lở ảnh hưởng trực tiếp tới 88 hộ dân tại bản. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây mưa lớn, kéo dài; vết nứt đã và đang phát triển với tốc độ nhanh, có nhiều vị trí xuất hiện nước trên mặt lún hở, phạm vi ảnh hưởng đến nhiều hộ hơn (gồm 108 hộ/524 nhân khẩu), mức độ nguy hiểm ngày càng cao.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Mường La, Bắc Yên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, thời tiết để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Phân công lãnh đạo địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi 24/24 trong những ngày mưa, lũ cao điểm.
Chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), trong đó: Tiếp tục huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích. Bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân phải di dời, đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho nhân dân vùng thiên tai. Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Phân công các lực lượng cảnh giới, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở, tuyệt đối không cho người dân quay lại nơi nguy hiểm. Chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Xác định hạng mục, công trình đầu tư khẩn cấp để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bố trí kinh phí trong khả năng cân đối các nguồn vốn để triển khai thực hiện, trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định.
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, phân công phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.