Công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nghị quyết, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 - 75%, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD…

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội. Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng gồm có: vùng trung du và miền núi phía Bắc; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi vùng phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng…

Các đại biểu dự hội nghị Công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo không gian phát triển, kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bao trùm, bền vững. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung quán triệt nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật, cụ thể hóa các nội dung, công việc cụ thể trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vào quy hoạch không gian, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia đã được các cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, thống nhất, không chồng lấn các chương trình, dự án, giữa các ngành, địa phương, phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương sớm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đi vào cuộc sống. Tại hội nghị, Chính phủ khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

Triển khai công tác quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 108/NQ-CP, ngày 26/8/2022 của Chính phủ, các bộ, địa phương triển khai 13 nhóm giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về quy hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, nâng cao chất lượng. Đến nay, có 5 nhiệm vụ đã hoàn thành, 3 nhiệm vụ đang triển khai, 4 nhiệm vụ chưa triển khai, 1 nhiệm vụ có tính chất thường xuyên. Kết quả, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch cơ bản được hoàn thiện. Tiến độ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được đẩy nhanh hơn so với giai đoạn trước. Việc đổi mới tư duy, nhận thức quản lý nhà nước về quy hoạch, đặc biệt là việc tích hợp quy hoạch và giảm bớt số lượng quy hoạch (ở cấp tỉnh chỉ còn 1 quy hoạch thay vì 50 quy hoạch ngành tỉnh như trước đây) đã tăng hiệu lực và tính thống nhất của quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp; xóa bỏ rào cản về điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường thu hút đầu tư và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Về việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 được quan tâm thực hiện tốt. Đến thời điểm hiện tại có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 18 quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 8 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện, trong số này có tỉnh Sóc Trăng); 16 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và có 1 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hiện tiến độ quy hoạch còn chậm, chất lượng quy hoạch cần được nâng cao hơn nữa, cần tư vấn quy hoạch trong, ngoài nước và phải sát với thực tế của tỉnh từng bộ, ngành, địa phương… Qua đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các địa phương cần đổi mới công tác quy hoạch, thẩm định và tiếp thu, giải trình nhanh các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn chỉnh quy hoạch của ngành, của địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh, trong lập quy hoạch, công việc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải nghiêm túc thực hiện, không để chậm trễ. Trong lập quy hoạch tỉnh, thành phố, cấp ủy phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt, HĐND phải cộng đồng trách nhiệm để cùng thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Quy hoạch đảm bảo phù hợp thực tiễn. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khắc phục yếu kém, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lập quy hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng. Giữa các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường chia sẻ thông tin, nhằm đảm bảo công tác lập quy hoạch đồng bộ, thống nhất…

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/cong-bo-va-trien-khai-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-64622.html