Công bộc của dân - Kỳ 1: Tinh gọn bộ máy để phục vụ tốt hơn cho nhân dân

Trong dòng chảy mạnh mẽ của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vận hành bộ máy địa phương 2 cấp, đã có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh tiên phong về làm cán bộ cấp xã. Đó là hành trình dấn thân đầy trách nhiệm của những đảng viên không ngần ngại rời khỏi vùng an toàn để về với cơ sở, gần dân, sát dân. Những hạt nhân này được kỳ vọng lãnh đạo các xã, phường mới phát triển bứt phá, góp phần xây dựng Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp.

Kỳ 1: Tinh gọn bộ máy để phục vụ tốt hơn cho nhân dân

Sáng 16-6, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ngày 1-7, cùng với cả nước, Khánh Hòa chính thức kết thúc hoạt động của cấp huyện, thành lập các xã, phường mới. Hàng chục công bộc của dân đang là giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành chính thức tiên phong về các xã, phường để nhận nhiệm vụ mới.

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao đổi với cán bộ về công tác tại phường Bắc Cam Ranh.

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao đổi với cán bộ về công tác tại phường Bắc Cam Ranh.

Thực hiện bài bản, khoa học

Chủ trương của tỉnh là đưa lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương về làm lãnh đạo cấp xã nhằm nâng cao năng lực, trình độ quản lý của lãnh đạo các xã, phường mới; đồng thời cũng trao cơ hội để cán bộ cấp tỉnh thể hiện sự nhiệt huyết, tiên phong trong công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy. Theo thống kê sơ bộ, có hàng chục cán bộ cấp tỉnh và tương đương được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường mới.

Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định đây là bước đi chiến lược đặc biệt, giúp tối ưu hóa nguồn lực, tinh giản bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ngày 9-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1691 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định hướng sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã thành lập mới. Đây là căn cứ quan trọng để sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã, góp phần bảo đảm bộ máy của xã, phường mới hoạt động thông suốt, phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri TP. Cam Ranh (cũ) vào ngày 27-5, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Các cơ quan Đảng tỉnh chia sẻ: “Liên quan đến việc sắp xếp bộ máy hành chính, bố trí cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiên phong, quyết liệt, tổ chức bài bản, khoa học và được Trung ương đánh giá cao. Công tác sắp xếp cán bộ phức tạp nhưng với sự minh bạch, dân chủ, khách quan, có sự kế thừa giữa mới và cũ, căn cứ vào năng lực thực tiễn, kinh nghiệm, tỉnh đã đưa ra được bộ tiêu chí quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ cấp xã sau sáp nhập có trình độ, năng lực tương đương cán bộ cấp huyện (trước khi kết thúc hoạt động)”.

Tiên phong, nhiệt huyết của đảng viên

Hành trình về cơ sở, gần dân, sát dân không chỉ là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn là tiếng gọi sâu thẳm từ trái tim người đảng viên. Ngược về phía nam tỉnh Khánh Hòa, địa phương đầu tiên mà chúng tôi ghé là xã Vĩnh Hải để gặp Bí thư Đảng ủy xã - ông Phan Tấn Cảnh. Khi đang là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ), ông được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Ninh Hải (cũ). Hiện nay, ông đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Hải - nơi triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân 2 với nhiều thách thức về công tác giải phóng mặt bằng khi kết thúc hoạt động của cấp huyện. Có thể nhiều người sẽ ái ngại nhưng với ông Cảnh, chuyện đó hết sức bình thường. "Khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, tôi sẵn sàng về cấp xã bởi bản thân xác định làm ở đâu cũng vậy, miễn là làm được gì cho người dân, cho địa phương", ông Cảnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Như Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hải chủ trì họp điều hành công việc.

Ông Nguyễn Như Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hải chủ trì họp điều hành công việc.

Đầu tháng 7, ông Nguyễn Như Nguyên rời vị trí Phó Giám đốc Sở Xây dựng để về làm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hải. Với ông Nguyên, trách nhiệm lớn nhất ở vị trí mới là làm sao để chính sách của Đảng, Nhà nước được giải quyết kịp thời, đi vào lòng dân, xây dựng niềm tin vững chắc của người dân đối với tổ chức chính quyền. Ông tin rằng chính quyền phải gần dân, sát dân, phụng sự nhân dân với tinh thần chia sẻ và thấu hiểu để việc phát sinh ở cơ sở sẽ được giải quyết ngay tại cơ sở. "Về làm Bí thư Đảng ủy xã nói thật cũng nhiều người hỏi tôi có tâm tư, băn khoăn gì không. Tôi trả lời thật như nói với chính bản thân mình là "không". Tôi quan niệm là đảng viên phải đi đầu gương mẫu, làm cán bộ phải phục tùng sự phân công của tổ chức”, ông Nguyên tâm sự.

Những ngày đầu về phường Cam Linh, bà Phan Thị Thu Cúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường không chỉ lo công việc của người đứng đầu một phường mới mà còn lo ổn định nơi ở, chuyển trường cho con gái đang học lớp 2 từ Nha Trang vào Cam Linh. Việc thay đổi nơi công tác, nơi ở đối với phụ nữ thường khó khăn gấp bội so với nam giới. Tuy nhiên, với tinh thần đi theo tiếng gọi từ trái tim người đảng viên gương mẫu, bà Cúc đã nhanh chóng thích nghi để lãnh đạo vận hành phường mới được trơn tru, thuận lợi. "Lúc đầu, tôi định đi về trong ngày, nhưng với khoảng cách gần 60km, tôi thấy không ổn. Có những hôm việc nhiều phải ở lại giải quyết đến hơn 20 giờ. Rồi những hôm trời mưa, chạy xe đường xa không an toàn. Chính vì vậy, tôi quyết định vào ở hẳn, đưa luôn con gái vào học rồi thuê người đưa đón… để yên tâm công tác", bà Cúc cho biết.

Có thể nói, hình ảnh những cán bộ cấp tỉnh về cơ sở là một minh chứng sống động cho tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong thời kỳ mới. Họ không chỉ rời bỏ môi trường làm việc đã quen thuộc, mà còn sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới trong công việc, cuộc sống.

Sẵn sàng tâm thế thay đổi

Cũng như nhiều cán bộ khác, ông Nguyễn Văn Quế từ Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận (cũ) về làm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải. Tuy từng làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, rồi chuyển qua làm lãnh đạo một ban Đảng nhưng khi về quản lý chính quyền cấp xã ông Quế vẫn thấy bỡ ngỡ. “Tôi đã đi nhiều, tiếp xúc nhiều với dân nhưng khi về làm Chủ tịch UBND xã vẫn thấy nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân đến khi về xã tôi mới được tiếp cận và nghiên cứu. Hơn nữa, chính quyền cấp xã hiện nay nhiều việc hơn, quy định mới về giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu nhanh gọn hơn nên khó khăn là điều chắc chắn”, ông Quế tâm sự.

Từ Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Văn Châu được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bắc Cam Ranh. Những việc đầu tiên là ông Châu vừa tập trung kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy, vừa tranh thủ ổn định nơi ở mới tại căn nhà thuê gần trụ sở Đảng ủy phường. Xong mọi việc, sáng 3-7, ông tranh thủ đi khảo sát thực tế địa bàn. “Mình có đi khảo sát mới biết được tiềm năng, lợi thế của địa phương, hiểu rõ phường có thuận lợi, khó khăn gì, từ đó mới xây dựng được chương trình hành động cụ thể, đặt ra mục tiêu phấn đấu khoa học, phù hợp. Trên địa bàn phường có nhiều đơn vị quân đội đóng quân nên tôi rất trăn trở thời gian tới sẽ giải quyết hài hòa vấn đề này như thế nào để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng”, ông Châu tâm sự.

Dẫu phía trước là bộn bề công việc nhưng với nhiệt huyết của đảng viên, các cán bộ về xã, phường công tác đều sẵn sàng đối mặt với thử thách, dấn thân vì nhiệm vụ chung, biến những ý tưởng thành hành động cụ thể, mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân.

Ông TRẦN LƯU QUANG - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương: Tỉnh Khánh Hòa đã có sự chuẩn bị rất tốt cho việc vận hành bộ máy địa phương 2 cấp, cũng như có những tiêu chí, tiêu chuẩn khoa học trong việc bố trí cán bộ cấp tỉnh về làm lãnh đạo cấp xã. Việc đưa vào vận hành bộ máy địa phương 2 cấp là một phần trong tiến trình cải cách hành chính, cần được theo dõi, đánh giá chặt chẽ nhằm đưa chính quyền gần dân hơn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và hiệu quả. Các địa phương cần tiếp tục rà soát, bố trí cán bộ, công chức phù hợp với năng lực và vị trí việc làm; hoàn thiện cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, kết nối hạ tầng công nghệ thông tin; tập trung đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và đảm bảo liên thông dữ liệu giữa các cấp chính quyền. Trong quá trình vận hành bộ máy địa phương 2 cấp bước đầu sẽ có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục nỗ lực, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh trong thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền được giao, địa phương khẩn trương báo cáo với Tỉnh ủy và Trung ương, Trung ương sẽ có hướng dẫn kịp thời cho các địa phương.

NHÓM P.V

Kỳ 2: Bám dân, nắm chắc địa bàn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202507/cong-boc-cua-dan-ky-1-tinh-gon-bo-mayde-phuc-vu-tot-hon-cho-nhan-dan-be73986/