Cồng chiêng '0 đồng'

Đó là Chương trình 'Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm' được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức.

Chương trình diễn ra vào tối thứ bảy hằng tuần, từ 19 giờ đến 21 giờ, tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku, do các nghệ nhân Ba Na, Gia Rai biểu diễn. Sở dĩ nói cồng chiêng “0 đồng” bởi địa phương, cơ quan quản lý, tổ chức rất nhiệt tình ủng hộ, không những đồng ý về mặt chủ trương mà đã dành hẳn không gian dọc quảng trường để tổ chức, còn những người làm chương trình thì trên tinh thần tự nguyện là chính, một phần từ xã hội hóa.

Nói như vậy có nghĩa là khi mời bà con lên biểu diễn thì ít nhất cũng phải có xe đưa đón, phục vụ ăn uống, có bồi dưỡng để bà con sinh hoạt, mua quà và còn nhiều thứ khác nữa. Số tiền chi trả cho một đội cồng chiêng khoảng 40 nghệ nhân là 10 triệu đồng (250 nghìn đồng/người), cộng với các khoản hỗ trợ thù lao cho nhân viên làm chương trình, bảo vệ... mỗi chương trình khoảng 13-14 triệu đồng, trong khi ngân sách không cấp đồng nào.

 Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm”. Ảnh: DUY HIỂN

Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm”. Ảnh: DUY HIỂN

Vậy kinh phí ở đâu để làm? Người đứng ra tổ chức phải nghĩ đủ mọi cách, từ việc mời bạn bè kinh doanh ẩm thực bán tại chương trình; vận động nhà tài trợ, cùng sự ủng hộ, quan tâm, chia sẻ từ nhiều phía. Khó khăn là thế, thiếu thốn là vậy, song chương trình vẫn tồn tại nhờ sự "tiếp sức" mạnh mẽ từ khán giả, bởi đây là bản sắc văn hóa địa phương.

Chương trình đã thu hút đông đảo mọi người hưởng ứng. Các cháu học sinh đi xem cồng chiêng đều mạnh dạn hòa mình vào những điệu suang (múa), nhảy đến mướt mồ hôi vẫn không muốn dừng; những khách du lịch về đêm đều nán lại thật lâu để xem chương trình. Cứ thế, những vòng suang mỗi đêm lại rộng ra bởi ngày càng có nhiều người đến nắm tay các diễn viên, nghệ nhân chân đất nhảy múa nhiệt tình. Cùng với đó, khán giả được cung cấp thông tin về văn hóa, phong tục của dân tộc Ba Na, Gia Rai, chuyện về cồng chiêng, đàn sáo, xem nghệ nhân dạy suang, đánh đàn t'rưng hay tấu chiêng đều là những nét văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc.

Trong thời đại công nghệ số, chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể xem rất nhiều chương trình khác nhau, song dành thời gian để thưởng thức những loại hình văn hóa dân tộc với mong muốn tận hưởng cảm giác thực tế, sờ, nắm, nhìn thấy trước mắt không phải là điều dễ dàng.

Mặt khác, vùng đất Tây Nguyên rộng lớn, nơi cộng cư của hơn 50 dân tộc thiểu số, mỗi cộng đồng đều có bản sắc riêng nên nếu không đủ am hiểu về văn hóa sẽ khó có thể nhận biết thật, giả. Vì thế, tạo được sân chơi văn hóa dân tộc ngay tại trung tâm thành phố là điều đáng quý, đáng trân trọng. Chí ít có thể coi đó là một ưu thế sinh hoạt văn hóa, trải nghiệm du lịch đêm hơn là chỉ có cà phê và ăn nhậu. Do đó, mỗi địa phương cần nhìn nhận đúng đắn, xác định những loại hình trọng tâm, thế mạnh để quan tâm và đầu tư đúng mức.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cong-chieng-0-dong-725437