'Công chúa Huawei' Mạnh Vãn Châu có thể được thả trở về Trung Quốc
Bộ Tư pháp Mỹ đạt thỏa thuận với Huawei để thả giám đốc tài chính tập đoàn này, bà Mạnh Vãn Châu. Đổi lại, bà Mạnh thừa nhận hành vi sai trái nhằm 'lách luật' lệnh cấm vận của Mỹ.
Trong hồ sơ gửi tòa án liên bang ở Brooklyn, New York, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ cùng với các luật sư đại diện cho bà Mạnh đệ trình một "giải pháp" cho vụ án. Phiên tòa bắt đầu lúc 13h ngày 24/9 (giờ địa phương), theo AFP.
Phó công tố viên liên bang Mỹ David Kessler nói với một thẩm phán ở New York rằng bà Mạnh đạt thỏa thuận với các công tố viên Mỹ để chấm dứt vụ án lừa đảo ngân hàng, mà bà đang là nghi phạm.
Bà Mạnh tham gia phiên tòa qua mạng từ Canada. Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết thỏa thuận nói trên chỉ liên quan tới cá nhân bà Mạnh. Những cáo buộc khác của Mỹ đối với Huawei vẫn được giữ nguyên.
Phó công tố viên Kessler cho biết thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12/2022. Nếu cho tới thời điểm ấy bà Mạnh không có thêm hành vi phạm pháp, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ.
Thỏa thuận nhận tội giúp bà Mạnh có thể trở về Trung Quốc mà không phải bị dẫn độ sang Mỹ để chịu xét xử. Theo Wall Street Journal, bà Mạnh được cho là sẽ chỉ nhận tội với một số cáo buộc ít nghiêm trọng. Trong khi đó, cáo buộc chính nhằm vào bà sẽ bị hủy.
Người phát ngôn của Huawei và phòng công tố viên liên bang tại Brooklyn từ chối bình luận. Luật sư của bà Mạnh cũng không lên tiếng.
Theo đài CBC (Canada), khi thỏa thuận được chấp thuận ở tòa án tại New York, lệnh quản thúc tại gia đối với bà Mạnh, cùng với lệnh dẫn độ, có thể được dỡ bỏ.
Bà Mạnh đang bị giam lỏng ở nhà tại Canada. Theo yêu cầu từ phía Mỹ, nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh, 49 tuổi, giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, vào tháng 12/2018 tại sân bay quốc tế Vancouver. Bà Mạnh cũng là con gái của nhà sáng lập và CEO Huawei Nhậm Chính Phi.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc bà Mạnh lừa đảo ngân hàng HSBC khi gây hiểu lầm về các giao dịch của Huawei tại Iran, khiến ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Bằng chứng quan trọng trong vụ bắt giữ là một tài liệu PowerPoint được bà Mạnh sử dụng trong cuộc gặp HSBC vào năm 2013 để trình bày về công ty Skycom, công ty được Huawei gọi là đối tác tại Iran.
Mỹ cho rằng Skycom thực chất chỉ là vỏ bọc của Huawei để hoạt động tại Iran. Đồng thời, bà Mạnh Vãn Châu đã không nói rõ về mối quan hệ này với HSBC.
Bộ Tư pháp Mỹ từng cố thúc đẩy để dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ. Mức án mà bà có thể đối mặt tới 30 năm tù giam. Bắc Kinh lên án vụ việc hoàn toàn mang động cơ chính trị.
Khi thỏa thuận nhận tội của bà Mạnh được tòa án ở New York chấp thuận, nó không chỉ giải quyết mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, mà có thể tạo điều kiện cho hai công dân Canada được trả tự do. Họ là doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, theo Reuters.
Hai người này bị giam giữ tại Trung Quốc chỉ ít lâu sau khi bà Mạnh bị bắt vào năm 2018.
Tháng 8 vừa qua, ông Spavor bị tòa án Trung Quốc tuyên phạt 11 năm tù về tội gián điệp.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7 của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong từng kiên quyết yêu cầu Mỹ hủy vụ dẫn độ đối với bà Mạnh.