Công chức nghỉ việc, áp lực không nhỏ lên thị trường lao động

Dự kiến có khoảng 100.000 công chức, viên chức nghỉ việc do sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Đây sẽ là áp lực không nhỏ lên thị trường lao động trong năm 2025.

Những ngày đầu năm 2025, anh Trần Văn Nên (Hà Nội) đã lên kế hoạch tìm việc làm mới sau khi cơ quan anh chuẩn bị thực hiện sáp nhập, sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Dù có quá trình công tác lâu năm nhưng anh Nên thuộc diện nghỉ việc khi cơ quan thực hiện tinh gọn.

"Tôi hơn 45 tuổi rồi, giờ phải nghỉ làm nhà nước ra ngoài tìm việc mới quả thực không dễ. Thách thức không nhỏ nhưng không còn cách nào khác là phải thích ứng, bằng giá nào cũng phải có việc làm để đảm bảo thu nhập nuôi sống gia đình”, anh Nên nói.

Ảnh minh họa: CTV

Ảnh minh họa: CTV

Khác với anh Nên, anh Trần Văn Du dự kiến sau khi nghỉ việc nhà nước sẽ không đi xin việc mới mà mở công ty công nghệ để tiếp tục phát triển chuyên ngành anh đang làm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của anh Du hiện nay là thiếu nguồn vốn. Sau 20 năm làm chuyên viên nhà nước, anh tích cóp không được là bao để mở công ty. Vì vậy anh tính đến phương án thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng.

“Thực sự khi tuổi không còn trẻ phải nghỉ làm nhà nước là bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng đây cũng là cơ hội thay đổi để thích ứng với môi trường kinh doanh bên ngoài”, anh Du chia sẻ.

Có thể thấy việc sắp xếp, tinh gọn vì mục tiêu lớn là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, ước tính sẽ có khoảng 100.000 người lao động từ khu vực công chuyển ra ngoài tìm việc làm mới, tạo ra áp lực đáng kể lên thị trường lao động.

Hỗ trợ lao động mất việc tìm việc làm mới

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận lực lượng lao động dôi dư sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ ít nhiều tạo áp lực trong kết nối việc làm cho các đối tượng này.

Vì vậy, cơ quan nhà nước về việc làm cần chủ động nắm bắt tình hình lao động việc làm trên địa bàn; tăng cường thông tin thị trường lao động và kết nối cung cầu lao động thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.

Một chuyên gia lao động cho rằng, nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, chi tiết về tài chính, hỗ trợ những người mất việc tìm việc làm mới thông qua các chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của những người bị ảnh hưởng.

“Hiện nay các chính sách đang được xây dựng và dự kiến sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Việc người lao động mất việc đảm bảo điều kiện thích ứng tìm được việc làm mới sẽ giải quyết bài toán lao động dôi dư sau tinh gọn bộ máy”, vị chuyên gia lao động cho biết.

Cùng với việc hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới, một vấn đề quan trọng cần được quan tâm đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho người lao động khởi nghiệp và tự kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo thêm việc làm “hấp thụ” lao động dôi dư mất việc.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-chuc-nghi-viec-ap-luc-khong-nho-len-thi-truong-lao-dong-2368572.html