Công chức thôi việc sau sáp nhập: Bước khỏi vùng an toàn, tìm việc ở tuổi U50
Không ít người trong độ tuổi lao động thôi việc sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, 'bước khỏi vùng an toàn' tìm lối đi riêng.
Bước ngoặt ở tuổi U50
Ở tuổi gần 50, anh Huy (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM - nhân vật đề nghị đổi tên) chưa từng nghĩ mình nghỉ việc tại cơ quan Nhà nước sau hơn 20 năm gắn bó. Nhưng khi đơn vị nơi anh công tác phải sáp nhập, đồng thời thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, anh đã đắn đo, suy nghĩ và tự nguyện viết đơn.
Anh Huy cho rằng, khi nhận được thông báo về chính sách hỗ trợ công chức, viên chức theo chủ trương của Chính phủ, của TP.HCM (tính toán sơ bộ anh được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng), cảm xúc trong anh đan xen lẫn lộn. Đây là số tiền lớn đối với một công chức như anh, số tiền mà nếu tiếp tục làm việc thêm chục năm nữa, anh cũng khó có thể tích lũy được.
“Nhưng điều anh trăn trở, quan trọng nhất vẫn là thu nhập ổn định để lo cho hai con. Lương của vợ tôi chỉ đủ nuôi một đứa, tôi còn những chi phí khác trong gia đình nữa”, anh Huy nói và cho rằng, việc tìm một công việc mới khi đã ở tuổi U50, lại quen với môi trường hành chính Nhà nước, thực sự không dễ dàng.

Thôi việc ở đơn vị sau sáp nhập, anh Huy tìm lối đi mới ở tuổi U50. (Ảnh minh họa)
Dù cũng đã chuẩn bị tâm lý, bước ra khỏi môi trường ổn định suốt hàng chục năm với anh Huy vẫn là một cú sốc. Sau khi nộp đơn xin nghỉ và chờ quyết định chính thức, anh bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới, nhưng anh cho rằng, thị trường lao động không dễ dàng.
"Doanh nghiệp tư nhân cần người linh hoạt, chịu áp lực cao, cạnh tranh lớn, mà mình thì quen làm việc theo quy trình chặt chẽ. Giờ đi xin việc mới thấy mình thiếu nhiều kỹ năng quá," anh Huy bộc bạch.
Suốt những ngày qua, anh Huy trăn trở trước những lựa chọn mới. Một số đồng nghiệp của anh chọn cách dùng tiền hỗ trợ để khởi nghiệp, dự định mở quán cà phê hay đầu tư nhỏ lẻ. Một số khác quyết định làm việc cho doanh nghiệp tư nhân, chấp nhận khởi đầu lại từ đầu với những thử thách và kỳ vọng mới.
“Tôi chưa biết mình sẽ đi theo hướng nào. Không phải cứ có tiền là dễ dàng bắt đầu một công việc mới. Mình cần một kế hoạch, một sự đảm bảo nào đó trước”, anh Huy nói và cho biết thêm, những ngày qua, anh dành phần lớn thời gian tham gia các khóa học kỹ năng, tìm hiểu về các ngành nghề phù hợp.
Anh Huy cho rằng, chặng đường phía trước với anh vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, nhưng anh hiểu rằng, thay vì nuối tiếc quá khứ, điều quan trọng nhất lúc này là chuẩn bị hành trang mới để bước tiếp.
"Có thể đây là cơ hội để mình làm điều gì đó khác, phát triển bản thân theo hướng chưa từng nghĩ đến. Dù sao thì mình vẫn phải tiến về phía trước", anh Huy nói và khẳng định sẽ dũng cảm "rời bỏ vùng an toàn”, chuẩn bị tâm lý, tinh thần học hỏi.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Suốt nhiều năm gắn bó với công việc nhà nước, Nguyễn Trọng Hoàng (42 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh) - từng là Trưởng phòng hỗ trợ đời sống sinh viên (Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM) quen thuộc với nhịp làm việc hành chính, thu nhập ổn định.
Những ngày gắn bó với công việc ở Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên mang đến cho anh sự an tâm, ít biến động. Nhưng rồi, anh suy nghĩ nhiều hơn về con đường tương lai của mình: Liệu sự ổn định này có phải là điều anh thực sự mong muốn?

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh.
Sau nhiều đắn đo, anh Hoàng quyết định rời bỏ công chức để thử sức ở một môi trường mới. Đó không phải là một quyết định dễ dàng, bởi nó đồng nghĩa với việc từ bỏ "chiếc phao an toàn" đối diện với những thách thức khi thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Theo anh Hoàng, những ngày đầu tiên nghỉ việc, anh không tránh khỏi cảm giác chênh vênh. Không còn danh xưng công chức, không còn hệ thống làm việc quy củ mà anh đã thuộc lòng từng quy trình, mọi thứ đều "phải học lại từ đầu". Anh chọn bắt đầu lại với một công ty tư nhân, nơi tốc độ làm việc nhanh hơn, áp lực lớn hơn, áp KPI kinh doanh ngay ngày đầu vào làm.
"Có những ngày tôi thấy mình như một nhân viên mới tập tễnh vào nghề, đôi khi mắc lỗi, đôi khi loay hoay giữa những yêu cầu công việc khác xa với những gì từng làm. Nhưng cũng chính những thử thách đó giúp tôi nhận ra bản thân có thể thay đổi và phát triển nhiều hơn", anh Hoàng nói.
Sau một thời gian, anh Hoàng ổn định công việc và xác lập vị trí trong công ty. Quan trọng hơn, anh nhận thấy việc rời khỏi vùng an toàn là một quyết định cần thiết, tạo bước ngoặt trong sự nghiệp và suy nghĩ cá nhân. Nếu không thay đổi, anh có thể vẫn giữ công việc cũ, không tiếp cận những cơ hội mới.

Anh Hoàng dành thời gian tham gia tình nguyện.
"Việc rời khỏi vùng an toàn không dễ dàng nhưng mang lại nhiều cơ hội. Với tôi, thử thách không phải rào cản mà là động lực để phát triển", anh Hoàng chia sẻ.
Nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho lớp trẻ
Quyết định nghỉ hưu sớm không dễ dàng, đặc biệt với công chức đã cống hiến hàng chục năm. Nhưng với bà P., nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ một phường ở quận Gò Vấp (TP.HCM), đây là lựa chọn tự nguyện, xuất phát từ trách nhiệm với cộng đồng.
“Tôi nghỉ hưu sớm để hưởng ứng chủ trương tinh giản bộ máy, tạo cơ hội cho lớp trẻ tiếp nối,” bà P. nói và cho biết bà còn 4 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu.
Bà P. khẳng định vẫn đủ điều kiện tiếp tục công tác nhưng tự nhận thấy năng suất không còn như trước, trong khi cơ hội thăng tiến không còn.

Nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ hưu trước tuổi trong quá trình sáp nhập, sắp xếp bộ máy, tổ chức. (Hình minh họa)
“Nếu tiếp tục, tôi có thể làm được nhưng chỉ ở mức cầm chừng. Trong khi đó, người trẻ có năng lực, nhiệt huyết lại chưa có cơ hội”, bà P. nói.
Dù đã rời vị trí, bà khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp cho địa phương bằng kinh nghiệm của mình. Theo bà, tinh giản biên chế không chỉ là cắt giảm nhân sự mà còn là cơ hội trẻ hóa đội ngũ, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính.
Điều tiết thị trường lao động
Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, dự báo khoảng 100.000 lao động sẽ rời khu vực Nhà nước trong thời gian tới.
Với quy mô hơn 53 triệu lao động, mỗi năm gia tăng trên 500.000 người, thị trường lao động Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng hấp thụ nguồn nhân lực này. Điều quan trọng là cần có kế hoạch và chính sách phù hợp để điều tiết thị trường một cách hiệu quả.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên theo quý, giai đoạn 2021 – 2024 (triệu người).

Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2024. (Nguồn: Tổng Cục thống kê)
Ông Tuấn cho rằng, năm 2025 được nhận định là có nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội, tạo đà cho thị trường lao động tiếp tục phát triển tích cực, với tốc độ tăng trưởng cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Những dự báo cho thấy sự tiến triển rõ rệt của thị trường lao động, khi nhiều ngành nghề đang tạo ra thêm việc làm, có thể hấp thụ một lượng lớn lao động.
Biến động lực lượng lao động là điều tất yếu trên thị trường, người lao động có thể chuyển đổi công việc từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân hoặc các lĩnh vực khác. Do đó, người làm việc trong khu vực nhà nước cũng cần có sự chuẩn bị, sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi và tự định hướng sự nghiệp tương lai của mình.
"Vấn đề đặt ra là thị trường lao động sẽ hấp thụ số lượng lao động này như thế nào? Việc phân bổ nhân lực phải hợp lý theo khu vực làm việc, trình độ chuyên môn, ngành nghề và mức lương", ông Tuấn nói và cho rằng, để điều tiết tốt thị trường, Nhà nước cần có số liệu thống kê chi tiết về nguồn cung lao động, nắm rõ nhu cầu nhân lực của từng địa phương và từng giai đoạn, đồng thời nâng cao hiệu quả kết nối việc làm.
Theo ông Tuấn, lao động rời khu vực Nhà nước, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, cần sẵn sàng đối mặt với sự cạnh tranh trong thị trường lao động tư nhân. Khi gia nhập khu vực này, họ cần trau dồi thêm các kỹ năng làm việc phù hợp. Với sự phát triển của công nghệ số, nhiều công việc truyền thống có thể mất đi, nhưng cũng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội mới. Do đó, khả năng chuyển đổi và thích ứng là yếu tố then chốt.
"Phần lớn công chức, viên chức rời khu vực Nhà nước đều có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, trong khi nhân lực phục vụ chủ yếu có bằng tốt nghiệp THPT, trung cấp hoặc cao đẳng. Họ cũng có kinh nghiệm hành chính, quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và xã hội. Đây là nguồn nhân lực quý có thể bổ sung vào các thành phần kinh tế - xã hội nếu được khai thác hợp lý", ông Tuấn nói thêm.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, khi thực hiện tinh giản biên chế, Nhà nước cần thống kê, phân loại và hỗ trợ việc làm cho nhóm lao động này theo các hướng sau: Giới thiệu việc làm trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI; hỗ trợ làm việc tại nước ngoài; phát triển các tổ chức dịch vụ, tư vấn; hỗ trợ khởi nghiệp và tự tạo việc làm; tận dụng nguồn nhân lực trong quản lý địa phương.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2024, tình trạng thiếu việc làm có xu hướng giảm, số người thiếu việc làm trong độ tuổi là 846,8 nghìn người, giảm 74,4 nghìn người so với năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2024 là 1,84%, giảm 0,18 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,28% và 2,20%).