Công chúng là yếu tố quyết định thành, bại của tác phẩm nghệ thuật
Làm thế nào để có những tác phẩm nghệ thuật thực sự là món ăn tinh thần hấp dẫn của công chúng hiện đại, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều loại hình giải trí khác.
Lễ trao giải thưởng sân khấu năm 2022 vừa được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Ðánh giá về diện mạo sân khấu thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội, nhà viết kịch, tiến sĩ Nguyễn Ðăng Chương đã thẳng thắn chia sẻ: "Nếu chỉ nhìn vào số lượng vở diễn đoạt giải, chúng ta có thể nói nghệ thuật sân khấu đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên. Song thực tế diễn ra lại khác. Nhiều vở diễn đoạt giải nhưng khi biểu diễn phục vụ công chúng không có người xem.
Phải chăng sự đánh giá về nội dung, nghệ thuật các tác phẩm của nhiều hội đồng chấm giải còn có độ chênh rất lớn với nhận thức thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả?
Phải chăng nhiều đơn vị nghệ thuật đang đưa ra công chúng những sản phẩm nghệ thuật mà đơn vị có chứ chưa phải là những sản phẩm mà khán giả cần?
Phải chăng đội ngũ sáng tạo chưa tìm được chìa khóa để mở cánh cổng nhận thức và tâm hồn của khán giả ngày hôm nay?".
Những trăn trở này tiếp tục gợi nên nhiều suy ngẫm về vấn đề không mới nhưng vẫn luôn nhức nhối liên quan trách nhiệm, vai trò của những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật, liên quan việc làm thế nào để có những tác phẩm nghệ thuật thực sự là món ăn tinh thần hấp dẫn của công chúng hiện đại, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều loại hình giải trí khác.
Nhìn rộng ra, không phải riêng sân khấu mới có trường hợp tác phẩm dàn dựng công phu chỉ để tham dự liên hoan, hội diễn rồi "xếp kho", mà ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Không ít cuốn sách, bộ phim, chương trình nghệ thuật được đầu tư kinh phí lớn, trong thời gian dài, đoạt giải thưởng cao ở các cuộc thi quy mô lớn, nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn nhưng vẫn thưa vắng công chúng thưởng thức.
Có ý kiến cho rằng hiện tượng ấy tuy đáng buồn nhưng là điều… bình thường, dễ hiểu. Bởi nghệ thuật chất lượng cao không dành cho số đông, chưa kể trình độ thưởng thức nghệ thuật của số đông công chúng cũng còn hạn chế.
Lập luận này không phải không có lý, nhưng nếu cứ ôm khư khư suy nghĩ ấy, nghệ thuật và công chúng sẽ mãi mãi nằm ở những đường thẳng song song. Và đương nhiên, khi tác phẩm nghệ thuật không gặp được công chúng, tức không có đời sống để tồn tại thì có nghĩa đã thất bại.
Vì thế, cần khẳng định, dù được sáng tạo với nội dung gì, cách thức thể hiện ra sao thì tác phẩm nghệ thuật ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần hướng đến đối tượng thụ hưởng là công chúng - yếu tố quyết định sự thành bại, sống còn của tác phẩm, nghệ sĩ, hay đơn vị nghệ thuật.
Cần khẳng định, dù được sáng tạo với nội dung gì, cách thức thể hiện ra sao thì tác phẩm nghệ thuật ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần hướng đến đối tượng thụ hưởng là công chúng.
Cách đây chưa lâu, "Parasite" (Ký sinh trùng) - bộ phim nổi tiếng của đạo diễn người Hàn Quốc từng giành giải cao nhất tại Liên hoan phim danh tiếng Cannes, khi công chiếu tại Việt Nam đã trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất ở thị trường Việt.
Tại sân chơi nghệ thuật trong nước, vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng, biểu diễn đã ghi dấu ấn với 14 giải thưởng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021, đồng thời làm nên kỷ lục bằng nhiều đêm diễn "cháy vé". Hay một số bộ phim truyền hình gần đây khi khai thác khéo léo đề tài tình yêu, gia đình, trinh thám với những lát cắt chân thực, gần gũi đã lôi kéo được đông đảo công chúng trở lại màn ảnh nhỏ…
Ðiều này cho thấy, vấn đề mang tính quyết định không nằm ở sự "kén khán giả" của tác phẩm hay trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, mà nằm ở khả năng biết tìm ra cách thức biểu đạt phù hợp nhất với nội dung tư tưởng tác phẩm, biết cân đối giữa tính nghệ thuật và giải trí, giữa yếu tố đỉnh cao và đại chúng trong sáng tạo nghệ thuật. Làm được điều này, không những cần sự giỏi nghề của những người làm nghệ thuật, mà còn cần khả năng thâm nhập cuộc sống, nhạy bén với những đề tài, câu chuyện thời cuộc, biết lắng nghe nhu cầu của công chúng, từ đó thổi hơi thở thời đại vào tác phẩm.
Ý thức, trách nhiệm, sự lăn xả để cống hiến cho nghệ thuật của những người làm công tác sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng.
Từng có nhiều ý kiến từ giới chuyên gia mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến khoảng cách giữa nghệ thuật và khán giả, như: sự thiếu vắng những tác phẩm chất lượng về các vấn đề nóng hổi của cuộc sống hôm nay; sự khủng hoảng về đội ngũ tác giả kịch bản; hay sự né tránh của nhiều đơn vị trong dàn dựng, xuất bản những tác phẩm có tính gai góc, nhạy cảm… Thiết nghĩ, phải tìm cách tháo gỡ từng "nút thắt" này mới thật sự thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật và công chúng.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng tới chiến lược, kỹ năng quảng bá tác phẩm nghệ thuật, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, bởi tác phẩm có chất lượng cao mà không được giới thiệu, tiếp thị đúng cách thì cũng khó có thể tiếp cận công chúng.
Tìm giải pháp cho những vấn đề này đòi hỏi sự chung sức, quyết tâm của nhiều thành phần liên quan. Bên cạnh vai trò mở đường của cơ quan quản lý nhà nước, của lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động nghệ thuật thông qua xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, thì ý thức, trách nhiệm, sự lăn xả để cống hiến cho nghệ thuật của những người làm công tác sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng.