Công chứng viên mỗi ngày công chứng 700 giao dịch?

ĐBQH đặt vấn đề, hiện nay, tại một số văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Nội, có công chứng viên thực hiện 700 giao dịch công chứng một ngày. Vậy không biết công chứng này làm cách nào với tốc độ nhanh và số lượng lớn như vậy?

Chiều 17/6, ngay sau khi Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật trên. ĐB Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng vì khi kinh tế phát triển thì các giao dịch nhu cầu công chứng ngày càng tăng. Với sự quy định chặt chẽ như dự thảo Luật sẽ góp phần giúp cho kinh tế xã hội phát triển.

Các đại biểu thảo luận ở Tổ 3. Ảnh: Quang Vinh.

Các đại biểu thảo luận ở Tổ 3. Ảnh: Quang Vinh.

Về công chứng bản dịch, theo ông Hiếu, cần quan tâm đến năng lực công chứng bản dịch. Đồng thời nếu Luật không quy định về công chứng bản dịch sẽ tạo khoảng trống pháp lý và đây là vấn đề cần cân nhắc.

Ông Hiếu phân tích, ví dụ thừa kế một bản di chúc của người dân tộc thiểu số có nhu cầu làm văn bản di chúc bằng tiếng dân tộc mà không có bản dịch thì đó là việc gây thiệt thòi cho người sử dụng ngôn ngữ khác, thậm chí giao dịch bằng tiếng nước ngoài mà không giao cho công chức bản dịch thì không biết giao cho đơn vị nào công chứng cái này? Do đó phải giải quyết khoảng trống pháp lý đó.

Ông Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: Quang Vinh.

Dẫn việc khi đi giám sát thấy có nhiều phòng công chứng làm tốt như ở Cần Thơ trong 1 năm làm hơn 1.300 công chứng bằng bản dịch và có kết quả tốt, ông Hiếu cho rằng, lý do chúng ta lo ngại về năng lực thì không phải, quan trọng là chi phí bỏ ra như thế nào. Nếu công chứng bản dịch thì phải có sự phối hợp, có người thực hiện bản dịch để có sự tin tưởng giữa các bên giao dịch. Vì thế chúng ta nên cân nhắc kỹ để tránh việc tạo ra khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện để các giao dịch hoàn thành tốt hơn.

Ông Hiếu cũng cho rằng, cần kiểm soát chất lượng công chứng. Báo cáo của Học viện Tư pháp và Đại học Luật của Đại học quốc gia cho thấy, một công chứng viên trong một ngày làm nghiêm túc, khoa học chỉ công chứng được 8-10 hợp đồng công chứng. Tuy nhiên hiện nay trên một số địa bàn ở Hà Nội có văn phòng công chứng mỗi ngày một công chứng viên công chứng 700 giao dịch. “Vậy không biết công chứng này làm cách nào với tốc độ nhanh và số lượng lớn như vậy. Nếu như thế thì chất lượng như thế nào?

Qua thực tế có nhiều vi phạm trong hoạt động công chứng, tình trạng công chứng khống rất nhiều, người bán xe ô tô là bán qua công chứng hợp đồng ký sẵn. Chỉ cần chuyển cho người khác là đưa vào hợp đồng công chứng là xong. Như vậy chúng ta không kiểm soát được cái này, hay công chứng mà không cần công chứng viên có mặt mà chỉ cần giao cho người trợ lý công chứng viên làm công chứng xong rồi về ký chứ không có biện pháp nào để kiểm soát”, ông Hiếu nêu vấn đề và cho rằng, có lẽ trong dự thảo Luật lần này phải có thêm giải pháp để bảo đảm chất lượng công chứng.

Việc yêu cầu công chứng trong trụ sở hay ngoài trụ sở không thể giải quyết được vấn đề đó vì không ai có biện pháp để kiểm soát đảm bảo công chứng đang diễn ra tại trụ sở công chứng hay ngoài trụ sở công chứng. Do đó dự thảo Luật lần này cần cân nhắc và bổ sung thêm các giải pháp như áp dụng kinh nghiệm của một số nước như khống chế số lượng tối đa của 1 công chứng viên theo thời gian.

Ông Hoàng Thanh Tùng thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Hoàng Thanh Tùng thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Quang Vinh.

Trước đó, khi thẩm tra dự án Luật, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật không quy định việc chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch thuộc phạm vi hoạt động công chứng như Luật Công chứng hiện hành mà chỉ quy định việc công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch như đã nêu trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo Hồ sơ dự án Luật, tránh việc trong thực tế nhiều công chứng viên từ chối thực hiện công chứng bản dịch do không đủ trình độ về ngoại ngữ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản này, tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, gây ra sự “quá tải” về chứng nhận bản dịch tại Phòng Tư pháp một số địa phương khi thay vì đến tổ chức hành nghề công chứng, người dân lựa chọn chứng thực chữ ký người dịch. Quy định này hạn chế rủi ro và trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng bản dịch, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định về công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành và hoàn thiện thêm để khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay theo hướng: dự thảo Luật cần bổ sung nội dung quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính chính xác của bản dịch với bản gốc, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của văn bản dịch có đề nghị công chứng.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: Việc hoàn thiện cơ chế công chứng bản dịch theo hướng nêu trên là phù hợp. Bởi vì với việc bỏ quy định về công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản như dự thảo Luật do Chính phủ trình, các bản dịch hợp đồng, giao dịch khác sẽ không được chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của các giao dịch dân sự, kinh tế. Hơn nữa, quy định của dự thảo Luật không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khi người dân có nhu cầu công chứng bản dịch, cụ thể là đối với trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc theo quy định của Bộ luật Dân sự, thì sẽ không có cơ quan, tổ chức nào thực hiện, tạo ra khoảng trống pháp lý trong thực tiễn.

“Việc bỏ quy định về công chứng bản dịch sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về môi trường pháp lý giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài có phát sinh giao dịch cần công chứng trên lãnh thổ Việt Nam, không đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Qua khảo sát thực tiễn tại một số địa phương cho thấy, có nơi hoạt động công chứng bản dịch vẫn thực hiện hiệu quả với đội ngũ phiên dịch là cộng tác viên chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế trên địa bàn”, ông Tùng nói.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-chung-vien-moi-ngay-cong-chung-700-giao-dich-10283551.html