'Cõng' cơm lên ngàn
Lũng Cao hôm nay không còn đói ăn, thiếu mặc, phân khu mầm non Cao Sơn của Trường Mầm non Lũng Cao, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước đã được xây dựng để học sinh của các bản Son, Bá, Mười có thể học tập, dù chưa rộng rãi khang trang nhưng các thầy, cô giáo đã làm tất cả để các em có nơi ăn, chốn ngủ đàng hoàng.
Một tiết học của học sinh khu Cao Sơn.
Bữa trưa bán trú nuôi giấc mơ đi học hàng ngày
Buổi sáng đầu tuần, 3 cô giáo trẻ đến phân khu mầm non Cao Sơn nằm ở bản Mười từ rất sớm để dọn dẹp nhà ăn, sắp xếp bàn ghế. Lúc sau, ông Vi Văn Thủy, người phụ trách bếp ăn phân khu chở đến một nồi cháo to. Sáng nay, các con sẽ ăn cháo thịt. 7 giờ, 2 cô giáo đều tên Ngân Thị Hường được cử lên đầu dốc cạnh trường ngồi đợi những đứa trẻ hoặc đi bộ hoặc phụ huynh đưa đến. Tay bế lưng cõng, các cô kiên nhẫn đưa những đứa trẻ qua đoạn đường trơn nhẫy, giao cho cô Lương Thị Thủy rửa mặt mũi, chân tay và đặt chúng ngồi vào dãy bàn đặt sẵn trước hành lang nhà ăn bán trú, trên đó có 30 bát cháo thịt đang bốc hơi nóng. Những đứa trẻ ăn ngon lành, hơn 10 phút các bát đã sạch trơn.
8 giờ 30 phút những đứa trẻ các độ tuổi nhà trẻ - mầm non bắt đầu vào giờ học chính thức. Do trời lạnh nên các cô chỉ tập trung dạy phần hoạt động với đồ vật, theo đề tài “Bé khám phá hộp giấy”. Kiên nhẫn và tỉ mỉ, các cô rèn kỹ năng cầm, nắm, đặt xếp, di, kéo hộp giấy cho 30 học sinh bé lít nhít như cái nấm. Đánh vật hơn 1 tiếng đồng hồ, những đứa trẻ người Thái cũng ngọng nghịu nói được mấy câu ngắn như “hộp giấy, ú òa, đùng đùng, gấu, kéo xe”. Toát mồ hôi giữa thời tiết lạnh, cô Thủy lắc đầu: “Nhìn thế thôi nhưng hôm sau lại phải dạy lại vì bọn trẻ nói trước quên sau”.
Năm 1996, Cao Sơn mới có lớp mầm non, 3 bản, 3 điểm trường hoạt động độc lập. Mãi đến năm 2016 điểm Trường Mầm non bản Mười mới được hỗ trợ 2 phòng học lắp ráp; năm 2019 được nhóm từ thiện thắp sáng ước mơ hỗ trợ 1 phòng học, năm 2021 được nhóm từ thiện trái tim yêu hỗ trợ nhà bếp, nhà vệ sinh... Các em ở bản Bá và bản Son đều phải đến đây học vì thế nói là sống trong cùng một thung lũng nhưng nhiều em phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến được trường học.
Các cô cấp dưỡng khu trung tâm chuẩn bị đưa cơm lên điểm trường khu Cao.
Cô Hà Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Cao cho biết: “Trước khi làm công tác quản lý trường học, tôi từng công tác nhiều năm tại các điểm trường trên Cao Sơn. Khi chưa có bữa ăn bán trú, lũ trẻ sáng đi học, trưa đi bộ về nhà tìm đồ ăn. Bố mẹ lên nương, chúng kiếm được gì ăn nấy. Đến chiều sĩ số lớp vơi gần hết. Cũng có những phụ huynh cẩn thận hơn thì chuẩn bị bữa trưa cho con mang đến trường, nhưng thường chỉ là cơm hoặc mèn mén ăn với muối. Hiếm khi bữa trưa có thêm các món ăn khác như rau hay thịt”.
Những hình ảnh đó luôn trăn trở, thôi thúc khiến cô và nhà trường suy nghĩ phải làm thế nào để có được một nhà ăn bán trú, góp phần chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của các cháu. Cô Hiền bắt đầu lên kế hoạch kết bạn, làm quen với nhiều nhóm từ thiện và các mạnh thường quân trên mạng xã hội để xin tiền. Sau nhiều tháng nhắn tin kêu gọi, cô nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhóm từ thiện như: Thắp sáng ước mơ, Otofun, Trái tim yêu... Ba tháng hè cô ở lại cùng người dân xây dựng nhà ăn bán trú, tường rào và đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021.
Học sinh ăn ở bán trú từ nguồn tiền Nhà nước hỗ trợ 150.000 đồng/tháng. Số tiền ít ỏi nên phụ huynh thường đưa gạo, rau, nước mắm, muối đến để tổ chức bữa ăn bán trú. Chứng kiến cảnh học sinh thiếu thức ăn, nhiều hôm chỉ cơm với rau và nước mắm khiến cô giáo xót xa, tự hỏi “ăn thế này sao mạnh khỏe và học tốt được”. Cô tiếp tục kêu gọi "bữa cơm có thịt”, người hỗ trợ vài triệu đồng, người hỗ trợ thịt, người hỗ trợ sữa... vì thế bữa ăn của các em nhỏ cũng được cải thiện từng ngày. Các bữa trưa được cân đối với 1 món mặn, canh, rau và 1 bữa phụ (mì hoặc cháo) vào buổi chiều.
Những bữa ăn bán trú miễn phí đủ chất đã níu chân bọn trẻ ở trường. 100% trẻ đi học đầy đủ, không nghỉ học buổi chiều; 86,6% trẻ có chỉ số phát triển thể chất tốt (tăng cân và tăng chiều cao). Trẻ được tập nói tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi trong ngày với cô, với bạn và được rèn kỹ năng sống. Nhờ đó, kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và kỹ năng xã hội của trẻ đạt từ 94,4% đến 96,7%. “Có những bé 5 tuổi cõng đứa em 3 tuổi trên lưng, vượt qua hơn 3 km đường đèo núi, sông suối tới trường chỉ để được ăn cơm, để được đắp chăn ấm. Mong có nhiều tấm lòng hảo tâm tham gia và đồng hành cùng nhà trường và các thầy cô để các con có được những bữa ăn trưa đầy đủ”.
Ship cơm xuyên núi
Biết bữa ăn bán trú quan trọng với trẻ mầm non như thế nào, tuy nhiên vì nhiều lý do đến thời điểm hiện tại xã Lũng Cao vẫn còn điểm trường khu Kịt, khu Cao Hoong, Thành Công... cách trường chính từ 5 đến 9 km vẫn chưa được học bán trú. Điều này khiến các cô hết sức áy náy. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, điểm trường khu Cao cũng chỉ mới có bữa ăn bán trú mấy năm nay. Hàng ngày 3 cô cấp dưỡng của trường phân công nhau sang chợ mua thực phẩm đủ cho các cháu ăn bữa trưa và bữa xế chiều trong ngày. Gần 10 giờ sáng, khi sắp kết thúc buổi học cũng là lúc 3 cô cấp dưỡng là Hà Thị Lý, Hà Thị Thúy, Lò Thị Hai chuẩn bị xong cơm trưa cho các cháu. Một phần đồ ăn được để lại trường chính cho các cháu học tại đây ăn, phần còn lại được chia ra đựng trong 3 nồi bằng INOX để chở đến điểm trường lẻ khu Cao.
Phụ trách đưa cơm đến điểm trường khu Cao cho 43 học sinh nơi đây, cô Hà Thị Thúy xách 3 nồi đồ ăn ra xe máy. Lên xe, cô kẹp nồi cơm to ở giữa, hai bên tay lái treo lủng lẳng 2 nồi đồ ăn gồm thịt kho và canh. Trông bóng cô chạy xe trên con đường uốn lượn về điểm trường lẻ mà ái ngại. Nhưng cô nói đầy tự tin: “Bọn em quen rồi. Không ngại đường xa đâu, chỉ lo cơm đổ thôi!”.
Bữa trưa của học sinh khu Cao Sơn.
Vào ngày mùa, không chỉ riêng ở xã Lũng Cao, ở hầu hết các trường bậc mầm non và tiểu học trong huyện vùng cao Bá Thước, các em học sinh dân tộc thiểu số thường theo cha mẹ lên nương rẫy để có người nấu cho ăn và tiện việc trông nom, các lớp học ở điểm trường lẻ thường có tỷ lệ học sinh vắng học dài ngày tăng cao. Chính vì thế, vài năm nay Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước đã chỉ đạo các trường mầm non và tiểu học tổ chức bếp ăn bán trú để tìm cách níu giữ học sinh ở lại trường nhằm tổ chức dạy 2 buổi/ngày. “Các năm trước, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán đúng vào mùa thu hoạch ngô, sắn nên học sinh bậc mầm non và tiểu học nghỉ học dài ngày theo cha mẹ lên nương rẫy nhiều, nhất là ở các điểm trường làng. Nhưng những năm gần đây, nhờ các cô giáo không ngại khó, ngại khổ để mở rộng bếp ăn bán trú, phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh nên các em đi học cũng đều hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học dài ngày giảm rõ rệt. Đây là điều kiện cần để ngành từng bước nâng cao chất lượng dạy và học”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước Hà Tự Nhiên cho biết.
Cũng theo ông Hà Tự Nhiên, những năm qua huyện và các cấp chính quyền trên địa bàn đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kiên cố tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để các trường mở lớp bán trú xây dựng nhà bếp, mua sắm vật dụng nấu ăn cho các cháu. Đồng thời, huyện cũng dành nhiều chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục mầm non. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy ở hầu hết các điểm trường mầm non ở huyện hiện nay là thiếu thốn đồ dùng, thiết bị sinh hoạt cho các cháu.
“Nếu ở đồng bằng, một bộ đồ chơi ngoài trời có thể phục vụ cho hàng trăm cháu chơi chung, còn ở miền núi thì có nhiều điểm trường rời rạc, nếu bố trí cho đủ thì không kinh phí nào chịu nổi. Để bù đắp cho các cháu, giáo viên phải làm đồ dùng, đồ chơi thủ công”, ông Nhiên nói.
Về phía nhà trường, các giáo viên cũng chủ động liên kết, kêu gọi các mạnh thường quân chung tay chăm lo cho trẻ vùng khó và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đã có nhiều đoàn thiện nguyện đến tận những điểm trường mầm non xa trung tâm xã hỗ trợ trẻ như tấm lót nằm bằng cao su, chiếu, chăn, gối, áo quần, giày dép, lương thực thực phẩm, đồ chơi... giúp các cháu cơ bản có đủ điều kiện để đến lớp. Giáo viên cũng tích cực tìm kiếm những nguồn áo quần cũ hỗ trợ cho trẻ và gia đình các cháu có thêm quần áo để mặc; tìm những đồ chơi đã qua sử dụng, kể cả những đồ chơi bị hư hỏng cần mẫn lau chùi, chỉnh sửa lại cho các cháu chơi. Nhờ vậy, nguồn đồ chơi ở trường ngày càng phong phú hơn hẳn so với nhiều trường mầm non vùng khó khác.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cong-com-len-ngan/175871.htm