Công cụ hiệu quả trong giảm nghèo và phát triển kinh tế
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển tín dụng chính sách tại Việt Nam. Sau 10 năm thực hiện, cùng với Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Cà Mau. Sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng và chính quyền, cùng sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện các chương trình TDCSXH, giúp truyền tải nguồn vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch; từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự đưa Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư vào cuộc sống, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tập trung các nguồn lực và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình TDCSXH trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được giải ngân cho 621.421 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp 64.804 hộ thoát nghèo, tăng 124% so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 4,9% (năm 2014) xuống còn 1,56% (cuối năm 2023). Tạo việc làm cho 96.115 lao động và hỗ trợ 34.988 học sinh, sinh viên. Ðặc biệt, đã có 272.153 công trình nước sạch và nhà vệ sinh được xây dựng, trên 12.755 căn nhà cho người nghèo đã được hoàn thành.
Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết, nguồn vốn TDCSXH ngày càng được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, tăng cường nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH. Ðến nay, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt trên 363 tỷ đồng, tăng trên 321 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn đã được đầu tư đến 100% các ấp, khóm trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện, được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Hiện có 43,95% số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh được vay vốn tại NHCSXH. Nguồn vốn này không chỉ hỗ trợ người nghèo mà còn đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giáo dục và đào tạo, chú trọng đặc biệt đến các vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Nguyễn Thanh Ðồng, Chỉ thị số 40-CT/TW đã giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc huy động và quản lý nguồn lực tín dụng chính sách. Các cơ chế, chính sách liên quan đã được hoàn thiện, giúp sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ hỗ trợ hàng ngàn hộ dân trên địa bàn ổn định sinh kế mà còn góp phần phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, phát triển các sản phẩm thu hút du lịch vườn...
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, có vài công đất trồng mít, trồng rau cải bán, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Với niềm đam mê phát triển du lịch vườn, sau khi xem qua các kênh truyền thông, ông Cường được biết tại huyện Thới Bình có bà con trồng được cây nho cho trái nên ông đi tham quan học hỏi, sau đó cả gia đình nhiều lần đến Ninh Thuận, Bình Thuận để học tập. Mạnh dạn chuyển đổi, ông đã phá bỏ hơn 100 gốc mít đã cho trái, cải tạo đất và đầu tư trồng 500 gốc nho. Ðến nay vườn nho đã cho trái vài đợt phục vụ khách tham quan; dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, trung bình mỗi ngày có trên 100 khách tham quan.
Thấy được tiềm năng phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình ông Cường tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư cất các chòi phục vụ khách tham quan.
Khởi nguồn từ việc mỗi lần về quê chồng ở tỉnh Thái Nguyên thường mua trà về biếu, tặng bà con, bạn bè; nhận thấy trà Thái Nguyên hợp khẩu vị và nhiều người thích; quyết tâm khởi nghiệp từ trà, năm 2018 bà Nguyễn Thị Thu Hà mở cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, đến năm 2020 thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Trà Thu Hà. Với phương châm “Trà Thu Hà bạn của mọi nhà”, “Chất lượng tạo nên thương hiệu”, sản phẩm trà gừng túi lọc ra đời để phục vụ nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng và năm 2022 sản phẩm này đã được tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Với mong muốn cho ra đời nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe từ trà kết hợp với các nguyên liệu khác có sẵn tại địa phương như trà bí đau, trà gạo lức..., chị Hà vừa được NHCSXH tỉnh giải ngân nguồn vốn 100 triệu đồng để giúp chị đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, nhờ sự lãnh đạo của Ðảng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, TDCSXH đã góp phần cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Những kết quả này không chỉ khẳng định hiệu quả của chính sách mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai./.