Cổng cưới rồng, phụng - Nét đẹp vừa truyền thống, vừa hiện đại
Vài năm trở lại đây, nhiều người chuộng trang trí cổng cưới bằng lá dừa và những vật liệu tự nhiên, mang nét mộc mạc của miền quê . Nổi bật trong đó là trang trí cổng cưới thành hình rồng, phụng bằng trái cây và hoa tươi vừa nghệ thuật, vừa truyền thống.
1. Rồng, phụng trong quan niệm dân gian tượng trưng cho sự hòa hợp hôn nhân, có nhiều con cái, may mắn và thịnh vượng trong công việc. Những năm trở lại đây, việc trang trí rồng, phụng trong ngày cưới được nhiều gia đình lựa chọn nhằm tăng tính long trọng của buổi lễ; đồng thời, tạo phong thủy tốt cho cuộc sống hôn nhân của đôi lứa sau này.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trang trí cổng cưới hình rồng, phụng, anh Nguyễn Trung Tín (TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết, vốn xuất thân là thợ điêu khắc, nắm bắt xu hướng thị trường, đồng thời, muốn góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống của người miền Tây nên anh chuyển sang thiết kế cổng cưới rồng, phụng và duy trì cho đến hôm nay.
“Vất vả nhất trong tạo hình cổng cưới rồng, phụng là chuẩn bị nguyên, vật liệu vì trang trí cổng cưới chủ yếu dùng hoa, trái cây tươi nên phải chọn loại tốt để cổng có thể giữ lâu và người thợ phải canh chỉnh thời gian hợp lý, không được làm quá sớm hay quá chậm vì dễ khiến nguyên liệu ban đầu bị héo, chuyển màu, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Thông thường, thời gian hoàn thành cổng cưới khoảng 1-2 ngày” - anh Trung Tín nói.
Hầu hết nguyên, vật liệu làm rồng, phụng đều từ những loại hoa, trái quen thuộc như thơm, cau, ớt,... Qua bàn tay của người thợ, tất cả trở thành sản phẩm tinh tế, sang trọng cho ngày trọng đại. Có hơn 5 năm trong nghề, anh Trung Tín cùng các cộng sự tạo hình hàng trăm cổng cưới rồng, phụng khắp trong và ngoài tỉnh.
Nhu cầu trang trí cổng cưới, bàn thờ gia tiên hình rồng, phụng bằng hoa, trái cây tươi ngày càng cao vì xu thế tìm về những nét đẹp và giá trị truyền thống đang phổ biến. Tuy nhiên, không vì thế mà các sản phẩm kém phần hiện đại. Ngoài việc cải tiến thiết kế theo xu hướng và yêu cầu của gia chủ, cổng cưới rồng phụng còn được thiết kế kèm đèn màu để tăng tính lung linh vào buổi tối.
2. Việc thiết kế cổng cưới hình rồng, phụng đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo khéo, tư duy thẩm mỹ và tính kiên nhẫn, chịu khó.Chị Lê Thị Trúc Nguyên (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Tôi làm nghề này đến nay đã 3 năm. Ban đầu, đi đám cưới bạn bè, thấy cổng cưới rồng, phụng, tôi thích lắm! Vì yêu thích nên tôi mày mò tự học từ Internet và các anh em làm nghề đi trước. May mắn là các sản phẩm tôi làm ra được khách hàng ưa chuộng nên mới có thể duy trì công việc đến hôm nay”.
Công việc làm cổng cưới không chỉ giúp chị thỏa đam mê sáng tạo và yêu thích nghệ thuật mà còn có nguồn thu nhập ổn định, hỗ trợ nhiều chị em khác có việc làm bán thời gian, cải thiện cuộc sống. Khi nhận được đơn đặt hàng làm cổng cưới rồng, phụng, thường công tác chuẩn bị tốn khá nhiều công sức và áp lực về thời gian nên chị Nguyên nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, chị em phụ nữ tại địa phương. “Các chị em làm việc với tôi thường là công nhân. Khi tôi cần, các chị sẽ đến hỗ trợ vào buổi tối. Ý tưởng và mẫu thiết kế, nguyên, vật liệu do tôi chuẩn bị, các chị hỗ trợ một số công đoạn có thể làm trước để giúp việc tạo hình cổng cưới nhanh chóng, thuận lợi hơn” - chị Nguyên nói.
Dù là nữ, sẽ có một số hạn chế trong việc khuân vác nặng hay trèo cao nhưng với đam mê, chị Nguyên cùng các cộng sự xây dựng thành công thương hiệu Cổng cưới Long An, được nhiều người biết đến. Với chị Nguyên, sự hài lòng và đánh giá cao của khách hàng chính là niềm vui và động lực to lớn để chị tiếp tục duy trì và phát triển công việc.
Với sự khéo léo, sáng tạo và mong muốn giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp, những người thợ như anh Trung Tín, chị Trúc Nguyên đã “nâng tầm” những chiếc cổng cưới miền Tây vừa truyền thống, vừa hiện đại, trang trọng và mang nhiều
ý nghĩa./.