Công dân Đắk Nông kẹt ở vùng dịch khắc khoải ngày về, ai cho gì ăn nấy
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kế hoạch đón công dân từ các tỉnh, thành phía nam có nhu cầu về quê nhưng chưa chốt thời gian, số lượng cụ thể. Trong khí đó, nhiều công dân đang thất nghiệp, gặp khó khăn, đêm ngày mong ngóng được về quê. Có người cạn tiền, ai cho gì ăn nấy, ăn cháo tạm cầm cự qua ngày.
Phượng mong ngóng ngày được về quê Đắk Nông
Thất nghiệp gần 2 tháng qua, ngày nào, chị Sàm Thị Uyên (quê ở xã Cư Knia, huyện Cư Jút, Đắk Nông) cũng nhìn qua cửa sổ để xem xóm trọ có ai được đón về quê. Quần áo, hành lý..., Uyên đã bỏ sẵn vào bao tải chờ ngày lên đường.
Uyên tâm sự, mới vào Bình Dương làm công dân được 3 tháng thì bị dịch COVID-19. Uyên thất nghiệp, nơi thuê ở cũng bị phong tỏa. Gần 2 tháng nay, cô phải thắt lưng buộc bụng, hàng tháng phải đóng hơn 1 triệu đồng tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt... Uyên nhờ chủ trọ, gia đình đăng ký về quê nhưng đến nay vẫn chưa có lịch đón về.
Tương tự, một nữ công dân ở xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song, Đắk Nông) đang kẹt ở tỉnh Bình Dương đề nghị được giấu tên vì không muốn người thân lo lắng. "Tôi mất việc hơn 2 tháng rồi, không về được quê vì vướng Chỉ thị 16. Tiền hết, tôi phải sống nhờ vào nhu yếu phẩm của nhà từ thiện, ai cho gì ăn nấy. Sáng nay không còn gì ăn, tôi nấu cháo trắng, bỏ thêm nui vào. Dịch dã ai cũng khó khăn, tôi không than vãn nhưng chỉ mong được cho về quê sớm".
Cũng kẹt ở phòng trọ hơn 2 tháng nay, chị Vi Thị Phượng ở xã Đắk R'la (huyện Đắk Mil) đã nhờ người thân đăng ký với chính quyền được về quê từ cuối tháng 7. Dẫu vậy, đến giờ này, chị Phượng chưa nhận được thông tin phản hồi. "Em mới vào Bình Dương làm được 3 tháng thì thất nghiệp. Ở đây không người thân, tiền lại hết, dịch thì chưa biết ngày nào hết nên mong về quê".
Được biết, UBND Đắk Nông vừa ban hành kế hoạch tiếp nhận, đón công dân của tỉnh này đang ở các tỉnh, thành phố phía nam bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 có nguyện vọng cấp thiết về địa phương.
Thứ tự công dân được ưu tiên đón về là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám chữa bệnh, người thăm thân nhân, công tác chưa trở về được và các đối tượng yếu thế khác. Tiếp đến là nhóm lao động tự do, người lao động bị mất việc làm; học sinh, sinh viên và các đối tượng khác.
Dù ban hành kế hoạch nhưng tỉnh này chưa có số lượng người dự kiến đưa về cũng như thời gian tổ chức đi đón.
Trước đó, Sở Lao động, Thương bình và Xã hội Đắk Nông từng 2 lần đề nghị các địa phương rà soát lại những người có nhu cầu bức thiết trở về để tham mưu UBND tỉnh lập phương án xử lý.
Hiện toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 174 ca mắc COVID-19.