Công dân không có quyền sở hữu súng thể thao và súng săn
Bạn đọc hỏi: Xin hỏi luật sư, pháp luật quy định về việc sử dụng súng thể thao và súng săn bắn như thế nào? Cần những điều kiện gì để được sử dụng các loại súng này một cách hợp pháp? Đoàn Trọng Kha (Hà Nội)
Luật sư trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”. Như vậy, súng thể thao và súng săn mà bạn yêu thích là một loại vũ khí. Tương tự, khoản 1, Điều 5 của Luật này quy định, nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Theo các quy định nêu trên thì công dân không có quyền sở hữu súng thể thao và súng săn. Trước đây theo quy định tại Nghị định số 47/CP ngày 12-8-1996, công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc một số trường hợp như: Người đang bị khởi tố, đang thi hành bản án hình sự; Người có tiền án, tiền sự; Người không đủ điều kiện về sức khỏe… thì có thể được sử dụng súng săn và phải có giấy phép của cơ quan Công an có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên theo Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 5-4-2012 thay thế Nghị định số 47/CP, giấy phép sử dụng súng săn do cơ quan Công an có thẩm quyền đã cấp cho cá nhân trước đây phải tiến hành thu hồi.
Đối với súng thể thao (gồm các loại như súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay), chỉ có các đối tượng được quy định tại Điều 24, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới được phép trang bị. Các đối tượng này là Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao. Nếu không thuộc các đối tượng này thì việc sử dụng súng thể thao là bất hợp pháp.
Hành vi sử dụng súng săn, súng thể thao trái phép có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013. Cụ thể là phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Và nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội sử dụng trái phép súng săn, vũ khí thể thao theo Điều 306, Bộ luật Hình sự.