Công dân nước ngoài nhỏ giọt rời Dải Gaza sau khi Ai Cập lần đầu tiên mở cửa khẩu Rafah

Cùng ngày, hàng trăm người có hộ chiếu nước ngoài và những người bị thương đã bắt đầu rời khỏi Gaza qua cửa khẩu Rafah, thông qua thỏa thuận giữa Ai Cập, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas do Qatar làm trung gian. Tuy nhiên, số lượng người được phép đi qua cửa khẩu này vẫn chỉ là một con số rất nhỏ. Và phải mất gần 1 tháng Ai Cập mới đồng ý mở cửa khẩu này cho người dân sơ tán khỏi dải Gaza.

CÔNG DÂN NƯỚC NGOÀI RỜI GAZA

Người và xe cộ xếp hàng dài tại khu vực cửa khẩu Rafah ở bên phía Dải Gaza vào sáng nay, với hy vọng được vào Ai Cập như những người may mắn trong đợt 1 ngày hôm qua. Ước tính có khoảng 545 người nước ngoài và người có hai quốc tịch cùng khoảng 90 người bị thương và bị bệnh được phép rời Dải Gaza để sang Ai Cập hôm 1/11.

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Áo, Australia, Nhật Bản cũng đã xác nhận công dân của mình rời dải Gaza an toàn và tới Ai Cập thông qua cửa khẩu Rafah.

Đây là một phần của thỏa thuận giữa Ai Cập, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, do Qatar làm trung gian. Thỏa thuận này không liên quan đến các vấn đề khác đang được đàm phán như vấn đề con tin hay lệnh ngừng bắn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza.

VÌ SAO AI CẬP CHẦN CHỪ MỞ CỬA BIÊN GIỚI?

Trước khi nhóm người nước ngoài đầu tiên rời khỏi Gaza qua cửa khẩu Rafah, Ai Cập đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nhiều tuần: mở cửa biên giới giúp người Palestine bị thương rời đi, nhưng lại kiên quyết từ chối làn sóng tị nạn Palestine tràn vào bán đảo Sinai.

Một số người thậm chí đã chỉ trích Ai Cập và Tổng thống nước này Abdel Fattah El-Sisi vì đã không mở cửa biên giới ngay từ khi cuộc xung đột Israel Hamas bắt đầu vào sáng ngày 7/10.

Lý giải cho điều này, trong một phát biểu đưa ra vào tháng 10 vừa qua ở Cairo, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh không thể buộc người dân Palestine chuyển đến Ai Cập vì điều này sẽ “phá vỡ giấc mơ của người Palestine về một nhà nước độc lập”.

Theo giới quan sát, Tổng thống El-Sisi coi việc đưa 1 triệu người Palestine vào đất nước mình là một rủi ro chính trị, có thể tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn, dẫn tới mối đe dọa an ninh đối với Ai Cập. Họ cho rằng mở cửa biên giới sẽ làm tăng khả năng các nhóm cực đoan hơn Hamas tràn vào bán đảo Sinai.

Sau cuộc đánh bom tự sát tại trạm kiểm soát biên phòng năm 2014, để ngăn dòng người tràn vào từ Gaza, giới chức Ai Cập thiết lập thêm hàng rào an ninh cho vùng đệm, giới hạn số lượng người Palestine vào nước này ở mức 100.000 người, để có thể quản lý trong các khu vực hạn chế. Giới chức Ai Cập khẳng định, nước này cảm thông với những gì đang xảy ra ở Gaza, nhưng cũng cần đảm bảo hòa bình và an toàn cho đất nước mình.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cong-dan-nuoc-ngoai-nho-giot-roi-dai-gaza-sau-khi-ai-cap-lan-dau-tien-mo-cua-khau-rafah-196561.htm