Công dân thứ 8 tỷ của thế giới vừa được sinh ra tại đâu?
Bé gái chào đời lúc 1g29 ngày 15/11 tại thủ đô Manila, Philippines, được ghi nhận là người thứ 8 tỷ của thế giới.
Sáng 15/11, thế giới đón công dân thứ 8 tỷ, là một bé gái người Philippines chào đời lúc 1g29 (giờ địa phương) tại Bệnh viện Tưởng niệm Bác sĩ Jose Fabella, Bệnh viện Phụ sản quốc gia ở thủ đô Manila.
Bé gái được đặt tên là Vinice Mabansag.
“Vậy là chúng ta vừa chào đón em bé thứ 8 tỷ trên thế giới ở Philippines. Em bé được sinh ra lúc 1g29. Đây là ca sinh thường”, bác sĩ Romeo Bituin - Giám đốc chuyên môn y tế của bệnh viện cho biết.
Mẹ của bé, Maria Margarette Villorente, cho biết cô rất vui khi con gái mình được coi là "em bé thứ 8 tỷ trên thế giới", đồng thời cho biết thêm rằng đây là một điều may mắn đối với gia đình cô.
Bà Lyneth Therese Monsalve - Giám đốc hành chính của Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines (POPCOM), thuộc Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), hy vọng bé Vinice Mabansag sẽ “là biểu tượng của sự phát triển trong tương lai".
Sáng cùng ngày, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cũng ghi nhận dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người, đồng thời ước tính có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2037, trong bối cảnh tuổi thọ của con người tăng nhờ những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và thuốc men. Đây cũng là kết quả của mức sinh cao, bền vững ở nhiều quốc gia.
Dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, theo đó năm 2020 tăng ở mức dưới 1%.
Daily Mail dẫn Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2022 cho thấy mức sinh đã giảm rõ rệt trong những thập kỷ gần đây ở nhiều quốc gia. Hiện tại, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh một phụ nữ dưới 2,1 lần sinh nở trong đời, gần bằng mức cần thiết để đạt tăng trưởng bằng 0 trong thời gian dài với nhóm dân có tỷ lệ tử vong thấp.
Dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực được dự báo giảm ít nhất 1% trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050, do mức sinh thấp kéo dài và tỷ lệ di cư tăng cao.
Hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến đến năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Thống nhất Tanzania.