Công điện về đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025
Ngày 4/2/2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Nội dung Công điện như sau:
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH điện:
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định.
Thực hiện Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 03/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Để đảm bảo tổ chức các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội đầu xuân năm 2025 theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp của tỉnh nhà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 44/CT-UBND ngày 27/12/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
- Quán triệt, chỉ đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du Xuân, chúc Tết trong giờ làm việc, làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ giải quyết công việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
- Các lực lượng chức năng sắp xếp, phân luồng, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự giao thông tại khu vực và trong thời gian diễn ra các lễ hội cũng như các hoạt động liên quan.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố
- Triển khai và thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản khác liên quan. Tuyệt đối không tổ chức các lễ hội tràn lan, lãng phí.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan...
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực, nhất là tại các địa phương diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
3. Sở Nội vụ
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là trong dịp Lễ hội Xuân năm 2025, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định pháp luật.
4. Công an tỉnh
Tăng cường chỉ đạo công tác nắm tình hình, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, tệ nạn xã hội tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các địa điểm tổ chức lễ hội.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn việc thực hiện tốt các quy định pháp luật về tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội; bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
- Yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các hộ kinh doanh bảo đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh an toàn, phòng, chống cháy nổ; phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết, không chèo kéo và ép giá, ép du khách mua hàng tại các điểm du lịch, lễ hội, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc…
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tham gia tuyên truyền, vận động việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, trong sáng trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội.
7. Đề nghị các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên tham gia theo dõi, đôn đốc triển khai và phản ánh kịp thời cho các cơ quan chính quyền gần nhất, các cơ quan báo chí về những hoạt động không đúng quy định của Đảng và Nhà nước của các cá nhân, tập thể để xử lý kịp thời, hiệu quả.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm Công điện này; đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc xảy ra tình trạng vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Thường xuyên thông tin báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh./.