Tập trung xem xét các Luật, Nghị quyết phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường 9

Với thời gian 2,5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét, cho ý kiến vào các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết ban hành ngay để phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 5/2 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 42.

Dự kiến trong 2,5 ngày làm việc (từ ngày 5-7/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với nhiều nội dung để chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV và nhiều nội dung quan trọng khác.

Dự phiên khai mạc có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phía khách mời có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao, Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên thường kỳ thứ 42 (tháng 2/2025), phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm mới Ất Tỵ 2025. Phiên họp diễn ra trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân với nhiều hoạt động Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025).

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội trong thời gian nghỉ Tết đã nỗ lực, làm việc ngày đêm cả Thứ 7, Chủ nhật với tinh thần trách nhiệm cao để chuẩn bị tài liệu cho Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội .

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, với thời gian 2,5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến vào các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết ban hành ngay để phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề trong chương trình công tác năm 2025.

Cụ thể, thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và 2 dự thảo: (i) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (ii) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo: (i) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; (ii) Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi)); (iii) Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Toàn cảnh phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với hai dự án luật: Luật Nhà giáo và Luật Hóa chất (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 và Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2025.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp thêm vào chiều ngày 10/2 để cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một số nội dung cấp bách khác để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; một số chính sách đặc thù để triển khai nhanh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các bộ, ngành và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị từ sớm, từ xa, khi có kết luận của cấp thẩm quyền và Tờ trình của Chính phủ sẽ tiến hành thẩm tra, cho ý kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sắp tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các bộ, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến sâu sắc đối với những vấn đề lớn, những nội dung còn băn khoăn trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Đồng thời đề nghị các cơ quan Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, tập trung cao độ quán triệt nghiêm túc chủ trương đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định và Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Tờ trình, báo cáo và các dự thảo luật, nghị quyết ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, gửi hồ sơ, tài liệu đảm bảo thời gian đến các vị đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả

Ngay sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình.

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu xây dựng dự án Luật là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, dự thảo Luật dự kiến gồm 5 chương, 35 điều. So với Luật hiện hành giảm 2 chương, giảm 15 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ; Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Đối với Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh sự cần thiết, để bộ máy mới nhanh chóng ổn định, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Theo đó, phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.

Tại phiên họp, các ý kiến tán thành sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật....

Đồng thời, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân cấp, ủy quyền; điều khoản chuyển tiếp, quan hệ của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tap-trung-xem-xet-cac-luat-nghi-quyet-phuc-vu-cho-viec-sap-xep-tinh-gon-bo-may-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-bat-thuong-9-303300.html