Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh

Ngày 13/6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện gửi giám đốc các sở, thủ trưởng ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Cao Bằng về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh. Nội dung công điện:

CÔNG ĐIỆN

Về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh

Trong những ngày qua, từ ngày 7/6 đến ngày 10/6/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài. Các sông, suối trên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện lũ (lúc 14h00 ngày 8/6/2024 mực nước trên sông Gâm tại trạm thủy văn trạm Bảo Lạc ở mức 198,20 m, cao hơn cấp báo động III là 0,20 m; đỉnh lũ cao nhất lúc 6h00' ngày 10/6/2024 ở mức 198,27 m, cao hơn cấp báo động III là 0,27 m; mực nước lũ lúc 7h00' ngày 11/6/2024 ở mức 196,85 m thấp hơn báo động II là 0,15 m). Mưa lớn gây thiệt hại, ảnh hưởng 65 nhà bị sạt lở, ngập úng, trên 42,26 ha lúa, hoa màu bị ngập nước, vùi lấp đất tại khu vực huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Quảng Hòa và Thành phố; nhiều vị trí trên Quốc lộ 34, tuyến đường liên huyện, xã xảy ra sạt lở đất đá, ngập úng, gây ách tắc giao thông, một số khu vực thuộc huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, độ ẩm đất cho thấy gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong mấy ngày tới (từ 14 - 17/6) khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao từ 100 - 150 mm/24 giờ, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị. Để tập trung khắc phục hậu quả và đảm bảo an toàn tính mạng cho người, tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; thực hiện Công điện số 57/CĐ-TTg, ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

1. UBND các huyện, thành phố

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống của nhân dân, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ và kịp thời thông tin cảnh bảo đến chính quyền các cấp, người dân để chủ động phòng tránh, giảm các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra các điểm, khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập lụt, cắm biển cảnh báo nguy hiểm thiên tai; chuẩn bị phương án sơ tán dân khi có tình huống thiên tai nguy hiểm (nhất là trên địa bàn các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình); sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai.

- Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.

- Huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh môi trường khu vực ngập lụt, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

- Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng để chủ động ứng phó với đợt thiên tai trong thời gian tới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

- Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân tuyệt đối không thực hiện các hoạt động trên sông khi có mưa, lũ; không tự ý đào, bạt đồi xây dựng nhà ở làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất, đá.

- Chỉ đạo cấp xã triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai thường trực và sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp ngay từ giờ đầu.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu; đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy nông điều tiết, vận hành công trình hồ đập thủy lợi theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh để tiếp tục có thông tin cảnh báo, chỉ đạo kịp thời khi có tình huống thiên tai.

3. Sở Công thương chỉ đạo các chủ đập thủy điện triển khai công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, vận hành theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là xả lũ khẩn cấp, không để xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt hạ du và thượng lưu đập.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan, địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.

5. Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, sạt lở đất đá; chủ động lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các vị trí trọng điểm thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập úng, các tuyến đường đang thi công.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chủ động chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có tình huống, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

7. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Cao Bằng tăng cường thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin về diễn biến mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.

9.Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

10. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tố chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thực hiện báo cáo thường xuyên tình hình thiên tai và thiệt hại (nếu có) về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Chi cục Thủy lợi - Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Số điện thoại: 0206 3853618).

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện này.

Chủ tịch UBND tỉnh

Hoàng Xuân Ánh

(Đã ký)

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cong-dien-ve-viec-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-va-chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-tren-dia-ban--3169937.html