Công đoàn CAND và Công đoàn Dầu khí Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm

Chiều 7/11, Công đoàn CAND và Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp tổ chức hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa hai đơn vị tại Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong khuôn khổ các hoạt động bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ công đoàn chủ chốt trong CAND năm 2024 khu vực phía Nam.

Phát biểu tại buổi trao đổi, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, Trưởng Ban Phụ nữ CAND, cho biết trong những năm cuối thập niên 80 thế kỷ XX, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành cải tiến tổ chức và nâng cao hoạt động công đoàn trong tình hình đất nước chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu thăm quan Cảng dầu khí Vietsovpetro.

Các đại biểu thăm quan Cảng dầu khí Vietsovpetro.

Theo đó, một số công đoàn ngành nghề được nghiên cứu thành lập để phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn và đáp ứng sự mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động cả nước. Nhiều công đoàn ngành được thành lập, trong đó có Công đoàn Dầu khí Việt Nam (1991) và Công đoàn CAND cũng được tái lập (1993).

Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Công đoàn Dầu khí Việt Nam và Công đoàn CAND đã phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành những lá cờ đầu trong hệ thống Công đoàn Việt Nam. Hai bên đã thực hiện tốt chức năng đại diện cho công nhân, viên chức, lao động; tham gia quản lý, chăm lo đời sống công nhân lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và trong CAND; bám sát, nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để tham mưu, đề xuất chế độ, chính sách liên quan đến người lao động.

Công đoàn CAND và Công đoàn Dầu khí Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tại Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro.

Công đoàn CAND và Công đoàn Dầu khí Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tại Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro.

Phong trào công nhân, lao động được lãnh đạo, phát động một cách sáng tạo và hiệu quả, tạo sức mạnh toàn diện để thực hiện mục tiêu chung, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành, của giai cấp công nhân Việt Nam, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Thực tiễn trong bối cảnh cách mạng mới đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Công an, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tổ chức công đoàn các cấp. Hai bên cần tập trung vào những vấn đề cụ thể mà hai bên cùng quan tâm, như công tác chăm lo đời sống đoàn viên, xây dựng văn hóa cơ sở và nâng cao kỹ năng cho cán bộ công đoàn. Đặc biệt là quan tâm phối hợp trong triển khai, lan tỏa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng thành công “thế trận an ninh nhân dân” trong công nhân, lao động…

Phú Lữ - Trần Quyết

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-doan-cand-va-cong-doan-dau-khi-viet-nam-giao-luu-trao-doi-kinh-nghiem-i749640/