Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh để giá điện theo thị trường
Đại biểu Quốc hội cho rằng, để có thị trường điện cạnh tranh thì cần tách bạch thực sự 3 khâu then chốt của ngành điện là phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia.
Chiều ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Hồ sơ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này theo quy trình một kỳ họp.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi của Luật Điện lực lần này rất lớn, sửa đổi toàn bộ nội dung luật, trong đó có những nội dung quan trọng như đầu tư, phát triển dự án điện lực, mua bán điện, hệ thống điện quốc gia… Vì vậy, nếu thông qua dự thảo Luật tại một kỳ họp là gấp rút.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) bày tỏ đồng tình với nhóm ý kiến nếu thông qua trong một kỳ họp thì việc sửa đổi Luật Điện lực chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cần thiết và đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, còn nếu sửa đổi toàn diện thì cần trong hai kỳ họp.
Theo đại biểu, có hàng loạt vấn đề cần tranh luận liên quan đến ngành điện như giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN, bù chéo, ranh giới giữa kinh doanh với thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng của Nhà nước... Trong đó, một nguyên nhân cơ bản là “chúng ta chưa có một thị trường điện cạnh tranh thực sự”.
Ông Hậu cho rằng, muốn có một thị trường điện cạnh tranh thực sự thì phải thay đổi triệt để theo đúng hướng mà Đảng và Chính phủ đã chỉ rõ là tách bạch thực sự 3 khâu then chốt của ngành điện: Phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia; đồng thời tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý Nhà nước, giữa kinh doanh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Cũng quan tâm đến thị trường điện cạnh tranh, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình việc thực hiện giá điện hai thành phần, đó là công suất và sản lượng, để cho rõ ràng, minh bạch và chấm dứt việc bù chéo giá điện hiện nay.
Sửa Luật Điện lực lần này, Chính phủ cho biết sẽ đưa ra cơ chế để giá điện theo thị trường, dần tiến tới xóa bù chéo giữa nhóm khách hàng dùng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị có lộ trình cụ thể thời gian nào không còn bù chéo nữa, phải ban hành nghị định hay thông tư cho cụ thể.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật cần có lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang thị trường điện cạnh tranh. Cần bổ sung quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện bao gồm thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc giám sát và điều phối thị trường điện nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Đưa ra các quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và các nhà đầu tư mới.
BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG KHẲNG ĐỊNH "ĐÃ PHÁT ĐIỆN CẠNH TRANH"
Giải trình về vấn đề thị trường điện cạnh tranh tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định “đến giờ này đã phát điện cạnh tranh”, với 52% các nhà đầu tư ngoài Nhà nước. “Bán buôn thì chúng ta vừa mới ban hành chính sách mua, bán điện trực tiếp và cũng đã quy định không chỉ 5 đơn vị được mua buôn điện. Về bán lẻ thì chúng ta đang sửa các quy định về giá, giá hai thành phần, khung giá theo giờ...,” ông Diên nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ, Việt Nam có điểm khác với các nước. Đầu vào có cao đến bao nhiêu thì đầu ra vẫn phải kiểm soát để bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Đồng ý với ý kiến của đại biểu Trần Hữu Hậu, Bộ trưởng Công Thương cho biết, nếu như để cả 3 khâu, tức là đầu tư vào hệ thống phát điện, truyền tải điện và cả điều độ điện ở EVN thì sẽ thiếu khách quan. Hiện tại, khâu điều độ đã được tách ra trực thuộc Bộ Công Thương, tức là cơ quan Nhà nước trực tiếp điều độ. “Còn phát điện bây giờ đâu phải chỉ EVN. EVN chỉ còn chiếm khoảng ba mấy phần trăm, còn lại là ngoài Nhà nước và các tập đoàn khác,” Bộ trưởng Diên phản hồi ý kiến đại biểu.
Về đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại một kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích, quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 - tức là chỉ còn hơn 5 năm nữa phải tăng gấp đôi công suất. Đến năm 2050 - tức là 26 năm nữa phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay.
“Nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể chúng ta không thể thu hút được đầu tư. Như tôi báo cáo, giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 14 đến 16 tỷ USD nhưng từ sau năm 2030 phải cần từ 16 đến 18 tỷ USD mỗi năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện,” Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện. Đặc biệt là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền.