Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI
Sáng 20/7 tại Hà Nội, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đại hội lần thứ XI Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam được tổ chức với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.
Nỗ lực vượt khó
Báo cáo tại Đại hội Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam lần thứ XI cho thấy: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực chung, 5 năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn vẫn duy trì ổn định. Một số đơn vị như Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP Vinachem và Công ty CP DAP số 2 Vinachem thuộc Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Đề án 1468) vượt qua khó khăn và đã có lãi.
Việc tái cơ cấu một số doanh nghiệp trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam diễn ra thuận lợi. Trong thời gian qua Tập đoàn đã thoái vốn tại một số doanh nghiệp như: Công ty CP Vật tư xuất nhập khẩu Hóa chất, Ắc quy Tia Sáng, Bột giặt NET, Cao su Sao Vàng…. Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ chính sách với người lao động nên các chế độ của người lao động được đảm bảo, không xảy ra tranh chấp lao động, khiếu kiện lớn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của đơn vị sớm ổn định. Kết quả, trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn năm 2022 đạt 61.057 tỷ đồng, doanh thu 62.262 tỷ đồng; nộp ngân sách 2.052 tỷ đồng; lợi nhuận 6.023 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 13.5 triệu đồng/tháng.
Chăm lo tốt đời sống người lao động
Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã và đang nỗ lực công tác chăm lo, nâng cao đời sống người lao động. Hàng năm, các cấp công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn phát huy nội lực của người lao động. Các đơn vị đã sắp xếp lại sản xuất một cách khoa học, thi đua tiết kiệm giảm chi phí, cải tiến kỹ thuật, lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Nhiều công trình được đầu tư với công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại, mở rộng được sản xuất; môi trường và điều kiện làm việc được cải thiện, an toàn cao, ít độc hại, nặng nhọc đã đi vào sản xuất và phát huy tác dụng như các công trình của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Cao su Miền Nam, Pin ắc quy Miền Nam, Bột giặt Lix, Hóa chất Việt Trì, Pin Hà Nội, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao...
Sau sắp xếp lại sản xuất theo yêu cầu đổi mới và phát triển, không có đơn vị nào để người lao động thiếu việc làm. Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn năm 2022 hơn 10 triệu đồng/người/tháng, so với đầu nhiệm kỳ (năm 2017) tăng 23%.
Với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, hàng năm, Công đoàn và lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều có Chỉ thị liên tịch vận động toàn thể cán bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong Tập đoàn đóng góp vào quỹ An sinh xã hội của Tập đoàn nhằm ủng hộ cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài Tập đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, thiên tai, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ...
Từ 2017 đến nay, cán bộ, công nhân viên chức lao động toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tham vào các hoạt động từ thiện trong và ngoài tập đoàn với tổng số tiền 130 tỉ đồng. Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã kiến nghị và cùng lãnh đạo Tập đoàn trợ giúp 27 lượt cơ sở khó khăn, trên 3.500 lượt gia đình công nhân lao động nghèo, 900 lượt con cán bộ công nhân lao động bị khuyết tật và nhiễm chất độc da cam, trên 1.000 lượt công nhân bị tai nạn lao động nặng hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được trợ cấp khó khăn, với số tiền trên 7 tỉ đồng/năm.
Riêng năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam còn đề xuất với Tập đoàn chi từ Quỹ An sinh xã hội của Tập đoàn và chi từ quỹ Công đoàn như: hỗ trợ công nhân lao động bị F0, F1, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cơm ca, hỗ trợ công nhân lao động làm việc 3 tại chỗ số tiền là 300 nghìn đồng và hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc luân phiên tại các đơn vị bị ảnh hưởng của dịch Covid 19 với tổng số tiền 5,580 tỉ đồng.
Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cũng đã đề xuất và triển khai phong trào "Xây dựng mái ấm Hóa chất" cho công nhân lao động nghèo tại các đơn vị trong ngành. Trong 5 năm qua, đã hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp được gần 200 nhà “Mái ấm Hóa chất”; “Mái ấm công đoàn” cho gia đình công nhân lao động có khó khăn về nhà ở.
5.749 sáng kiến được áp dụng với số tiền làm lợi 1631 tỷ đồng
Phong trào tập hợp ý tưởng sáng tạo, sáng kiến và lao động sáng tạo là phong trào mũi nhọn, là trọng tâm hoạt động của Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ qua, có tổng số 9.169 ý tưởng được đăng ký, trong đó 5.749 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn với số tiền làm lợi 1631 tỷ đồng. Đã có 266 lượt người được Tổng Liên đoàn tặng Bằng lao động sáng tạo (tăng 10,3 % so với nghị quyết Đại hội X đề ra). Trong đó cán bộ quản lý các cấp chiếm 62,4 %, cán bộ kỹ thuật và công nhân trực tiếp sản xuất chiếm 36,6%,nữ chiếm 5,0 %. Tiêu biểu trong phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo là Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Cao su Đà Nẵng, Cao su Miền Nam, Ắc quy Tia Sáng, Pin ắc quy Miền Nam, Lân Văn Điển, Lân Ninh Bình, Cao su Sao Vàng, Hóa chất Việt Trì, Viện Hóa học công nghiệp…
Kết quả các đề tài được tặng bằng lao động sáng tạo thời gian qua là những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, công nghệ sản xuất lần đầu giúp các đơn vị giải quyết khó khăn, mở hướng đầu tư mới, mở rộng sản xuất, thay thế nguyên liệu nhập ngoại bằng nguyên liệu trong nước, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, có tính ứng dụng vào thực tiễn cao…. Như các công trình: Hoàn thiện các giải pháp công nghệ để nâng cao sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm của quá trình chế biến apatit sử dụng trong ngành chăn nuôi (Đề tài xuất sắc cấp Nhà nước) của đồng chí Phạm Minh Tứ, Nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu - Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam làm lợi 6,3 tỷ đồng; Công trình Nghiên cứu công nghệ sản xuất chì C5 từ chì phế phẩm, giảm thiểu tác hại cho môi trường của đồng chí Lê Minh Trường, Nhân viên kỹ thuật công nghệ tại Xí nghiệp Ắc Quy Đồng Nai 2 – Công ty Cổ phần Pin Ắc Quy Miền Nam (PINACO) làm lợi 4 tỷ đồng; Công trình Cải tạo dây chuyền công nghệ nghiền rửa số 5 để tách quặng I dạng cục của đồng chí Trần Quốc Hùng, Phó Trưởng phòng Cơ điện Chi nhánh Tuyển Tằng Loỏng, Công ty TNHH MTVApatit Việt Nam làm lợi 4,9 tỷ đồng...
Để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ các đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích người lao động. Nhiều đơn vị đã kịp thời động viên, khen thưởng người lao động trong việc đề xuất những ý tưởng, sáng kiến mới bằng cách có thư khen đến tất cả các cá nhân có ý tưởng dù là lớn hay nhỏ. Nhiều đơn vị còn thưởng ngay bằng tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng cho những người có ý tưởng và đề xuất; đơn vị thưởng cao nhất cho ý tưởng của người lao động là Công ty CP Phân lân Ninh Bình với 2 triệu đồng/1 ý tưởng. Những cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo đơn vị còn thưởng thêm từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/người.
Với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 21 người. Được sự tín nhiệm cao, ông Nguyễn Huy Thông đã tái đắc cử chức Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam khóa XI.
Bà Hồ Thị Mai Hương tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.