Công đoàn đồng hành, tư vấn những điều công nhân, lao động quan tâm
Hỗ trợ tiền thuê nhà, các chế độ bảo hiểm, tăng lương,... là những vấn đề mà công nhân, lao động (CNLĐ) quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi vật giá 'leo thang'. Đó cũng là những nội dung mà các cấp Công đoàn (CĐ) tuyên truyền, tư vấn cho CNLĐ trong thời gian gần đây.
Giảm gánh lo cho công nhân, lao động
Đọc được thông tin về hỗ trợ tiền thuê trọ, chị Châu Thúy Hà (CN Công ty (Cty) TNHH May Tai-Yuan, Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) phấn khởi và nhẹ phần nào gánh lo. Ở trọ tại địa bàn khu công nghiệp của huyện Đức Hòa, chi phí sinh hoạt trong thời “bão giá” là một gánh nặng với gia đình gồm 3 người của chị. Từ Đồng Tháp đến Long An làm việc hơn 3 năm và gắn bó với Cty nên chị quyết tâm bám trụ dù đôi lúc cuộc sống có khó khăn. Thông tin tăng lương, hỗ trợ tiền thuê nhà cho CNLĐ giúp chị vững tin hơn với quyết định của mình.
Chị Hà tâm sự: “Khi biết có những chính sách thiết thực hỗ trợ CNLĐ, tôi mừng lắm! Tuy nhiên, tôi chưa nắm kỹ các quy định, điều kiện, thời gian hưởng những chính sách ấy. Trong buổi tư vấn pháp luật, tôi được cán bộ CĐ giải thích, hướng dẫn tận tình. Nắm được những điều này, tôi không sợ bị mất quyền lợi hay phải xác minh lại thông tin nhiều lần như trước đây”.
Được biết, tỉnh vừa triển khai, thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người LĐ. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người LĐ đang làm việc trong doanh nghiệp với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng và hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người LĐ quay trở lại thị trường LĐ với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với phương thức chi trả hàng tháng.
Chính sách này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người LĐ và người sử dụng LĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 mà còn góp phần hỗ trợ người LĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng LĐ và thiếu hụt LĐ. Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng LĐ giảm chi phí, từng bước thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người LĐ.
Lãnh bảo hiểm xã hội một lần - lợi hay hại?
Thời gian gần đây, CNLĐ có xu hướng xin nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần do nhiều nguyên nhân khác nhau như đời sống khó khăn, ảnh hưởng dịch Covid-19, nghe thông tin rút ngắn thời gian hưởng lương hưu, vì lợi ích trước mắt,... Làm CN hơn 16 năm, chị Lê Thị Trang (phường 2, TP.Tân An) có ý định xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. Chị Trang chia sẻ: “Một số người quen của tôi đã xin nghỉ việc, chờ rút BHXH một lần. Rút được số tiền lớn có thể lấy làm vốn để kinh doanh, buôn bán hoặc gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, tôi cũng nghe về những thiệt hại khi rút BHXH một lần nên còn do dự”.
Việc CNLĐ nghỉ việc hoặc có ý định nghỉ việc trong thời gian phục hồi sản xuất là một thách thức với doanh nghiệp và địa phương. Trước vấn đề đó, các cấp CĐ tăng cường lồng ghép, phân tích vấn đề về việc rút BHXH một lần cho CNLĐ hiểu, nắm rõ. Theo đó, nếu rút BHXH một lần, người LĐ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm, mất cơ hội lãnh lương hưu hàng tháng khi hết tuổi LĐ, mất cơ hội được cấp bảo hiểm y tế miễn phí khi về hưu, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất,... Trong khi đó, nếu người LĐ duy trì làm việc, tiếp tục tham gia BHXH thì không chỉ ổn định cuộc sống hiện tại mà còn bảo đảm tương lai về già khi có lương hưu. Không còn sức LĐ nhưng có lương hưu, người nghỉ hưu không phụ thuộc kinh tế vào con cháu, xã hội, Nhà nước. Ngoài ra, mức lương hưu sẽ không bị mất giá mà được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, CNLĐ còn được thông tin, tuyên truyền về tăng lương tối thiểu vùng; tư vấn, giải thích các quy định của Bộ luật LĐ năm 2019, Luật CĐ năm 2012, Luật BHXH năm 2014, Luật An toàn Vệ sinh LĐ năm 2015,...
Nhờ các hoạt động tư vấn pháp luật, CNLĐ biết về các chế độ, chính sách có liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt là đưa ra lựa chọn đúng cho tương lai./.