Công đoàn Gia Lai: Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở
Là tỉnh có số lượng người lao động ít so với các địa phương khác, quy mô doanh nghiệp nhỏ, song các cấp Công đoàn tỉnh Gia Lai đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn là phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS).
Chuyển biến tích cực
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai quản lý 22 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó 17 LĐLĐ huyện, thành, thị, 5 Công đoàn ngành và tương đương; với tổng số 1.673 CĐCS và 55.270 đoàn viên/56.800 người lao động.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai cho biết, những năm qua, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, chính quyền cùng cấp.
Đơn cử như thông qua các Hội nghị giao ban khối Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội hằng quý, Hội nghị sơ kết, tổng kết hằng năm của Ban Chỉ đạo về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ công tác Công đoàn, nhất là công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS sát với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với các cấp Công đoàn và cán bộ Công đoàn trong tỉnh, nhận thức rõ việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ “sống còn” của tổ chức Công đoàn nên luôn tập trung thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động, triển khai đồng bộ, cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, hệ thống chỉ tiêu hằng năm và giai đoạn theo Chương trình hành động số 02/CTr-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chương trình 24-CTr/TU của Tỉnh ủy vào chương trình công tác, chỉ tiêu nhiệm vụ hằng năm.
Theo đó, các đơn vị đã tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đi đôi với việc chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS hoạt động. Nắm bắt kịp thời tình hình công nhân lao động và các doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động; triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Công đoàn các cấp; tổ chức nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần chăm lo, bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho người lao động, từ đó, thu hút người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn.
LĐLĐ tỉnh Gia Lai đã kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên công đoàn tỉnh; thành lập 5 Tổ phát triển đoàn viên công đoàn với 25 thành viên là cán bộ, chuyên viên các Ban, đơn vị trực thuộc LĐLĐ tỉnh, gắn với trách nhiệm được phân công và địa bàn phụ trách của đồng chí Tổ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh thành lập, kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên từng đơn vị, phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo; bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cấp cơ sở tại các đơn vị.
Định kỳ hằng tháng tổ chức giao ban giữa Thường trực Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh với các Chủ tịch Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để nắm tình hình tiến độ thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề ra các giải pháp đẩy mạnh công tác vận động, thu hút, tập hợp đoàn viên, thành lập CĐCS, nghiệp đoàn cơ sở.
LĐLĐ tỉnh thường xuyên phối hợp để có sự hỗ trợ từ Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là kênh thông tin quan trọng để Công đoàn khảo sát, thống kê, nắm chắc số lao động, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó xác định đúng đối tượng, địa chỉ, giao chỉ tiêu cho các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai đã phát triển mới 1.793 đoàn viên; thành lập 19 CĐCS. Đối với phát triển đoàn viên khu vực phi chính thức, đây là chỉ tiêu mới Tổng LĐLĐ Việt Nam giao năm 2024. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và quản lý, do tính chất việc làm tự do, chủ yếu là lao động thời vụ, không ổn định, song Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp Công đoàn toàn tỉnh tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng lao động tự do hợp pháp, thành lập được 10 nghiệp đoàn cơ sở, đạt tỷ lệ 333% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao và kết nạp mới 241 đoàn viên, đạt tỷ lệ 120,5% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp
Nhận định về tình hình, dự báo công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong thời gian tới, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Gia Lai cho biết, tổng số công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh là hơn 56.800 người, trong đó khu vực sản xuất kinh doanh gần 14.000 người. Hiện tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động được quan tâm, có bước cải thiện. Mức bình quân thu nhập hằng tháng của công nhân lao động khoảng 7 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, tại Gia Lai số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ 85% tổng số doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội. Dự báo đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động trong thời gian tới tiếp tục bị ảnh hưởng khi không ít doanh nghiệp có thể rút lui khỏi thị trường. Đây là những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở Gia Lai trong thời gian tới, cần có những giải pháp phù hợp, đột phá.
Trong buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Gia Lai về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong ngày 21/8, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng, tỉnh Gia Lai có số lượng công nhân ít so với nhiều địa phương khác, có nhiều khó khăn về cả khách quan và chủ quan trong phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, thế nhưng hệ thống Công đoàn toàn tỉnh đã phát triển được các CĐCS phù hợp, hằng năm, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu do Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
Những khó khăn trong thời gian tới đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đã được LĐLĐ tỉnh báo cáo, chỉ ra cụ thể, cùng với đó là các giải pháp sát thực để khắc phục những khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thống nhất với các giải pháp đưa ra của LĐLĐ tỉnh, đồng thời đề nghị tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp căn cơ trong thời gian tới.
Cụ thể như: Tiếp tục phối hợp với sở, ngành nắm chắc số liệu người lao động để rà soát, khảo sát, tiếp cận tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Tổ chức các hội nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương để đánh giá, thảo luận, bàn bạc các giải pháp về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, qua đó tạo mối quan hệ gắn kết, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, doanh nghiệp phát triển ổn định.
Tập trung bố trí nguồn lực tài chính, con người cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, cần chú trọng chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên để người lao động thấy rõ vai trò của tổ chức Công đoàn. Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp, hỗ trợ của UBND tỉnh và các sở, ngành. Quan tâm phát triển đoàn viên công đoàn ở các xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện, hỗ trợ các nghiệp đoàn cơ sở hoạt động.