Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai: Chú trọng chăm lo đời sống giáo viên
Bên cạnh phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục (GD) tỉnh Gia Lai còn không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, người lao động bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo. Phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Hùng-Chủ tịch Công đoàn ngành GD tỉnh-xung quanh vấn đề này.
* P.V: Xin ông cho biết, thời gian qua, các cấp Công đoàn ngành GD tỉnh đã có những hoạt động thiết thực nào trong việc chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên, người lao động?
- Ông THÁI VĂN HÙNG: Hiện Công đoàn ngành GD tỉnh đang quản lý 55 Công đoàn cơ sở (CĐCS) với 3.182 cán bộ, nhà giáo, người lao động (có 3.143 đoàn viên Công đoàn); trong đó có 52 CĐCS sự nghiệp công lập, 2 CĐCS sự nghiệp ngoài công lập và 1 doanh nghiệp cổ phần. Những năm qua, Công đoàn ngành đã chỉ đạo các CĐCS tập trung làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần; đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phối hợp thực hiện các chế độ tiền lương, phụ cấp và các khoản phúc lợi đảm bảo đầy đủ, đúng quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc, qua đó kiến nghị, đề xuất để có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động và hạn chế vi phạm đối với nhà trường. Ngoài ra, Công đoàn ngành và CĐCS cũng hướng dẫn cho đoàn viên, người lao động thực hiện đúng các chế độ như: nghỉ dưỡng sức, nghỉ thai sản, nghỉ ốm đau dài ngày… Công đoàn ngành cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo; CĐCS phối hợp với thủ trưởng các đơn vị xét chọn những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi hoặc tinh giản biên chế theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của nhà giáo và người lao động.
Bên cạnh đó, các hoạt động nhân đạo, xã hội từ thiện được các CĐCS triển khai bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đối với những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, Công đoàn ngành phối hợp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kêu gọi đoàn viên, người lao động trong khối trực thuộc quyên góp, ủng hộ hơn 560 triệu đồng tính từ năm 2016 đến 2018. Gần đây nhất, Công đoàn GD Việt Nam và Công đoàn ngành đã kịp thời thăm hỏi, động viên đối với trường hợp cô giáo Trần Thị Bá Tiền (giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) không may gặp tai nạn giao thông trên đường đến trường và hỗ trợ 6 triệu đồng để động viên cô vượt qua khó khăn.
Đồng thời, Công đoàn ngành cũng tiếp nhận nhiều sự giúp đỡ từ Công đoàn ngành GD TP. Hồ Chí Minh, cụ thể: năm học 2017-2018, tiếp nhận 300 bộ vải áo dài, hơn 1.000 quyển vở và 10 phần thưởng cho học sinh trị giá hơn 150 triệu đồng, sau đó chuyển tặng các thầy-cô giáo và các em học sinh các xã biên giới huyện Chư Prông; năm học 2018-2019, tiếp nhận 500 triệu đồng để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên và hiện đang tiến hành tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang). Triển khai chương trình “Mái ấm Công đoàn”, hàng năm, Công đoàn ngành cũng hỗ trợ xây dựng 1-2 căn nhà cho cán bộ, giáo viên với số tiền 30-40 triệu đồng/căn.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, các cấp Công đoàn ngành còn không ngừng cải thiện đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động bằng nhiều phong trào, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao với hình thức đổi mới, đa dạng qua từng năm. Cụ thể: năm học 2017-2018 đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”; năm học 2018-2019 và 2019-2020 tổ chức liên hoan văn nghệ toàn ngành, thu hút hàng ngàn cán bộ, giáo viên tham gia và cổ vũ.
* P.V: Ngoài chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, Công đoàn ngành còn hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động như thế nào trong công tác chuyên môn, thưa ông?
- Ông THÁI VĂN HÙNG: Công đoàn ngành GD luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ nhà giáo chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương công tác Công đoàn... Thực hiện chương trình của Công đoàn GD Việt Nam về “Nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo và người lao động, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam”, các CĐCS đã chủ động hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, dạy học tích hợp, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới việc thi cử. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động tiếp tục chuyển biến tích cực về lý luận chính trị, 100% nhà giáo có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn.
Công đoàn ngành còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phát động, hưởng ứng các phong trào thi đua như: đổi mới sáng tạo trong dạy học, nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia, duy trì sĩ số học sinh, xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn. Một số CĐCS cùng với chuyên môn đồng cấp cũng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức cho đoàn viên, người lao động của đơn vị mình tham quan du lịch, học tập kinh nghiệm quản lý GD tại đơn vị bạn mỗi dịp hè, lễ, Tết…
* P.V: Thời gian đến, Công đoàn ngành GD tỉnh có những giải pháp nào để làm tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhà giáo, người lao động?
- Ông THÁI VĂN HÙNG: Công đoàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động; huy động các nguồn lực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc của đoàn viên, người lao động; tiếp tục phối hợp tham gia nghiên cứu, tổ chức thảo luận, góp ý và đề xuất các chế độ, chính sách mới; chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, động viên, đánh giá, tôn vinh, khen thưởng kịp thời cho đoàn viên, lao động; bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cán bộ, giáo viên, người lao động; vận động mọi người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện của Công đoàn…
Song song với đó, Công đoàn ngành sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt 2 nhiệm vụ quan trọng, đó là: tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động có sự chuẩn bị, bồi dưỡng để sẵn sàng cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa bắt đầu từ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo; đồng thời tuyên truyền về đạo đức nhà giáo, ứng xử trong trường học nhằm xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và thân thiện, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong ứng xử giữa thầy-cô giáo và học sinh.
* P.V: Xin cảm ơn ông!