Công đoàn tham gia ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an sinh cho người lao động

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn triển khai các giải pháp chủ động thực hiện và đề xuất thực hiện bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng

Căn cứ Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động, để góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển quan hệ lao động, thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty chủ động chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong hệ thống.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn cần chủ động nắm tình hình việc làm, đời sống của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. (Ảnh minh họa: B.D).

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn cần chủ động nắm tình hình việc làm, đời sống của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. (Ảnh minh họa: B.D).

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các Trung tâm tư vấn pháp luật, văn phòng tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý nhằm tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, người lao động về các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động và hỗ trợ giải quyết các nhu cầu về pháp luật, pháp lý cho đoàn viên, người lao động.

Tăng cường phối hợp, tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các Công đoàn cấp trên, giữa các Công đoàn cơ sở thuộc phân cấp quản lý để giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm, có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, ngành, trong đó chú trọng các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, bảo đảm duy trì việc làm cho người lao động; tham gia các phương án sản xuất kinh doanh, sắp xếp, sử dụng lao động hợp lý; giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin từ Công đoàn cơ sở, các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các bên đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để kéo dài, lây lan, để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng kích động, gây mất an ninh trật tự, an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Chủ động chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động

Bên cạnh các giải pháp trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nhu cầu tiếp tục tìm kiếm việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề hoặc về quê của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động; các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, có chủ bỏ trốn dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Với các địa phương, đơn vị có nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu căn cứ nguồn lực tài chính Công đoàn để thực hiện hỗ trợ phù hợp cho đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn mà bị giảm giờ làm việc hoặc đang ngừng việc có hưởng lương mà tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; nghỉ việc không hưởng tiền lương hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà không có tiền lương, thu nhập; bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thuộc phân cấp quản lý triển khai các nội dung sau: Theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2023 ít nhất 20 ngày.

Cùng đó, Công đoàn cần chủ động đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động, giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập; trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo quy trình thực hiện, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật và đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp, quan tâm đặc biệt tới việc chi trả tiền thưởng Tết đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động.

Chủ động sử dụng nguồn lực của Công đoàn cơ sở và đề xuất với người sử dụng lao động, Công đoàn cấp trên tổ chức chăm lo, hỗ trợ cho người lao động phù hợp, kịp thời. Trong đó, chủ động triển khai hiệu quả, kịp thời, thiết thực các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 theo Kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-tham-gia-on-dinh-quan-he-lao-dong-dam-bao-an-sinh-cho-nguoi-lao-dong-150714.html