Công đoàn TP Hồ Chí Minh phát huy vai trò tiên phong chăm lo cho người lao động
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá Công đoàn TP Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò tiên phong khi nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong việc chăm lo thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân, người lao động.
Sáng 24/9, Đại hội Công đoàn TP Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, bước vào phiên làm việc thứ tư. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Tại ba phiên họp trước đó (từ ngày 22/9), Đại hội đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018 - 2023; thông qua phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của phong trào công nhân viên chức - lao động (VNVC- LĐ) và hoạt động Công đoàn Thành phố nhiệm kỳ 2023 - 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành (khóa XI); đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Đại hội cũng đã tiến hành bầu cử Ban Chấp hành LĐLĐ TP Hồ Chí Minh khóa mới và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Phát huy các mô hình hay
Chia sẻ tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Ngoãn, Chủ tịch LĐLĐ Quận 12 cho biết, LĐLĐ quận đang quản lý 693 Công đoàn cơ sở, với 43.093 đoàn viên; trong đó, phần lớn là đoàn viên thuộc khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (36.721 người). Hầu hết công nhân - lao động ở các doanh nghiệp đều thuê nhà trọ ở khu dân cư, có thu nhập thấp, đời sống vật chất và tinh thần thiếu thốn, kiến thức pháp luật hạn chế… Vì vậy, LĐLĐ quận đã thí điểm hình thành các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó kịp thời có giải pháp chăm lo, hỗ trợ, tháo gỡ khúc mắc phát sinh, phòng ngừa tranh chấp lao động; đồng thời giúp công nhân, lao động ngày càng gắn bó hơn với nơi ở trọ, nâng cao cảnh giác phòng, chống tội phạm, xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội.
Mặt khác, LĐLĐ quận đã phối hợp với UBND 11 phường đẩy mạnh việc thành lập các Tổ công nhân tự quản. Chỉ riêng năm 2022, LĐLĐ quận đã thành lập 19 Tổ công nhân tự quản. Hiện tổng số Tổ công nhân tự quản của quận là 22 với 763 thành viên.
Theo bà Nguyễn Thị Ngoãn, sau khi thành lập, ngoài vận động các chủ nhà trọ ổn định giá thuê, cải thiện môi trường sống, bố trí không gian xanh, trang bị dụng cụ tập TDTT cho khu trọ, LĐLĐ quận còn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật, các chương trình văn hóa, văn nghệ, bán hàng giảm giá, tổ chức tất niên, tặng quà dịp lễ, Tết cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, Tổ công nhân tự quản đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ nhau vượt khó, chung tay cùng LĐLĐ quận chăm lo hàng nghìn phần quà với giá trị hàng tỉ đồng cho đoàn viên, lao động cư trú tại các Tổ công nhân tự quản. Từ những kết quả đạt được cho thấy mô hình Tổ công nhân tự quản ở các khu nhà trọ đã thật sự trở thành điểm tựa cho công nhân - lao động trong việc tìm được nơi an cư lạc nghiệp.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, một trong những kết quả nổi bật của Công đoàn Thành phố nhiệm kỳ 2018 - 2023 là việc chăm lo cho đoàn viên - lao động và ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh khốc liệt của đại dịch COVID-19, có thời điểm nhiều hoạt động gần như tê liệt, đời sống đông đảo CNVC- LĐ bị ảnh hưởng, các cấp Công đoàn TP Hồ Chí Minh đã huy động toàn bộ nguồn lực - từ con người, tài chính đến cơ sở vật chất - để cùng cả hệ thống chính trị ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh; thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chung của thành phố.
Với hơn 1,3 triệu lượt đoàn viên - lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được các cấp Công đoàn chăm lo với kinh phí 692 tỉ đồng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ Công đoàn TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, một dấu ấn khác trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 là chương trình "Phúc lợi đoàn viên" với ý nghĩa nhân văn, trách nhiệm, chăm lo kịp thời đời sống đoàn viên - lao động, tạo sức hấp dẫn, gắn kết với tổ chức Công đoàn. Thông qua việc ký kết hợp tác, chương trình được triển khai rộng khắp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đa dạng về cả phương thức lẫn lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ phục vụ nhu cầu của đoàn viên - lao động. Đặc biệt, để thích ứng với tình hình mới, "Phiên chợ online" cũng được hình thành. Đây là một hình thức hỗ trợ tiêu dùng áp dụng thương mại điện tử, mua sắm mới với mong muốn gia tăng số lượng người tham gia, thụ hưởng; mở rộng sự lựa chọn hàng hóa; giảm chi phí, thời gian tổ chức; hướng đến tiêu dùng hiện đại, văn minh, phù hợp xu thế phát triển của xã hội trong mùa dịch bệnh.
"Để phát huy vai trò của Công đoàn TP Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ mới, các tổ chức Công đoàn TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đổi mới trong hoạt động, thực sự là tổ chức tập hợp được người lao động, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng đội ngũ công nhân thành phố vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP Hồ Chí Minh... Ngoài ra, với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển”, công đoàn TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm để góp phần xây dựng thành phố và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống anh hùng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thành phố mang tên Bác; xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố giao phó", bà Trần Thị Diệu Thúy khẳng định.
Phát huy vai trò bảo vệ người lao động
Phát biểu tại Hội nghị, ôngNguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, 5 năm qua là giai đoạn đất nước ta gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn. Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện bất ngờ, diễn biến nhanh, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, tuy nhiên, càng trong khó khăn, càng nổi bật tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, sức kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố vượt lên đau thương, mất mát để hồi sinh, tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh đó, các cán bộ Công đoàn TP Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống và phẩm chất vốn có, với tinh thần năng động, sáng tạo, tiên phong đã giúp người lao động ổn định cuộc sống cho công nhân lao động vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Ông Nguyễn Đình Khang kỳ vọng, nhiệm kỳ mới, Công đoàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò Công đoàn tiên phong của cả nước, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến nhu cầu, quyền lợi đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn; trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng và tổ chức Công đoàn; tiếp nhận và xử lý có hiệu quả các phản ánh nguyện vọng, lợi ích của đoàn viên; đội ngũ công đoàn viên cũng cần tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động người lao động gây mất an ninh, trật tự, xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp; tăng cường thuyết phục chủ doanh nghiệp và người lao động tham gia thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nơi có đông công nhân, người lao động, nơi tiềm ẩn phức tạp...
"Công đoàn TP Hồ Chí Minh cũng phải là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng của Tổng LĐLĐ, nhất là các nội dung trong thực hiện Chương trình hành động của tổ chức Công đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đối ngoại, duy trì, củng cố các quan hệ hợp tác hiện có, mở rộng các quan hệ hợp tác liên quan đến lĩnh vực quan hệ lao động, góp phần thực hiện đối ngoại nhân dân, đóng góp vào kết quả hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam", ông Nguyễn Đình Khang đề nghị.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá, Công đoàn TP Hồ Chí Minh với vai trò vừa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, vừa xây dựng, tập hợp được lao động phi chính thức, đã thành lập được nhiều nghiệp đoàn, thành lập được nhiều Công đoàn cơ sở để chung tay chăm lo cho hơn 1,4 triệu lao động của TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, tại các Công đoàn cơ sở luôn xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều chương trình mới được duy trì bền vững, gửi gắm được niềm tin cho người lao động, công nhân thành phố. Trong thời gian qua, Công đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đã kết nạp mới hơn 617.000 đoàn viên, vượt 16% kế hoạch và thành lập 671 công đoàn cơ sở. Điều đó càng khẳng định vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động theo hiến pháp và pháp luật quy định ngày càng phát huy hiệu quả. Hiện nay, đội ngũ Công đoàn cũng đã xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp, tham gia vào công tác xây dựng chính quyền, tích cực bổ sung nguồn lực cho Đảng...
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, để phát huy vai trò tiên phong của Công đoàn, Công đoàn TP Hồ Chí Minh cần phải có những biện pháp cụ thể, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức với vai trò, vị trí đặc biệt của Thành phố và cũng là trung tâm của vùng kinh tế phía Nam. Việc tiên phong này thể hiện trong việc đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy... nhằm nâng cao đời sống cho người lao động, công nhân...; đồng thời đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở tiếp tục bồi dưỡng nhận thức cho người lao động, công nhân viên chức về sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, định hướng phát triển sản xuất gắn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt qua mọi thử thách khi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
"Công đoàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và hiện thực hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội về trao cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh; cần nghiên cứu tìm tòi, huy động nguồn lực để hỗ trợ tài chính trong các hoạt động cần thiết, nhất là khi người lao động bị mất việc hoặc có hoàn cảnh khó khăn để tránh xa tín dụng đen; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn đủ năng lực, có kỹ năng ứng phó, giải quyết với nhiều vấn đề xảy ra; chú trọng, quan tâm đào tạo bồi dưỡng, hỗ trợ cho công đoàn cơ sở, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước; tiếp tục lan tỏa các phong trào công nhân của TP Hồ Chí Minh", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Đại hội cũng đã thống nhất bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 55 ủy viên và Ban Thường vụ LĐLĐ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 17 người. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh khóa XI tiếp tục được bầu làm Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh (khóa XII). Bốn Phó Chủ tịch gồm các ông, bà: Trần Đoàn Trung, Lê Thị Kim Thúy, Phạm Chí Tâm và Phùng Thái Quang.