Cộng đồng bảo tồn di sản - bài học từ Hội An

Sau 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Đô thị cổ Hội An và khu Đền tháp Mỹ Sơn đã trở thành 'điển hình' ở việc đề cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Để bảo vệ Chùa Cầu- biểu tượng của đô thị cổ Hội An - một cây cầu nhỏ đã được lắp để phục vụ người dân và du khách.

Để bảo vệ Chùa Cầu- biểu tượng của đô thị cổ Hội An - một cây cầu nhỏ đã được lắp để phục vụ người dân và du khách.

Cách làm hiệu quả

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, kể từ khi khu Đô thị cổ Hội An và khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới đến nay địa phương đã triển khai nhiều nhóm giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó, từ năm 1999 đến nay, Đô thị cổ Hội An đã thực hiện tu bổ 459 di tích. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ thuộc Di sản Văn hóa thế giới Hội An và đã có 72 di tích tại đây được tu bổ khẩn cấp. Thực hiện Dự án Phòng trừ côn trùng hại gỗ (chống mối mọt) trong khu phố cổ Hội An cho 1.521 di tích với và chống mối cho 31 di tích vùng ven. Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, bằng nhiều nguồn vốn, trong 20 năm qua đã tu bổ 11 tháp Chăm và 6 hạng mục hỗ trợ cho công tác bảo tồn với tổng kinh phí hơn 166 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, về công tác bảo tồn, phát huy giá trị, sau 20 năm được công nhận thì tốc độ phát triển kinh tế du lịch, đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng người dân tại 2 di sản văn hóa thế giới đã đạt được những kết quả tích cực. Lượng du khách đến Hội An năm 2018 đã đạt hơn 2,3 triệu lượt khách. Hiện ở Hội An đã có 638 cơ sở lưu trú với 10.464 phòng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 46 triệu đồng/năm. Còn tại Mỹ Sơn, lượng khách đến tham quan trong năm 2018 đạt gần 399.657 lượt, doanh thu đạt 62,170 tỉ đồng. Hiện nay, hạ tầng du lịch cũng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu du khách.

Có thể nói, đây là những con số ấn tượng mà Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, đặc biệt là việc gắn kết giữa cộng đồng và các cơ quan quản lý để xứng đáng với danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới. Trong đó, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An chia sẻ: “Để có được những thành công này Hội An đã tận dụng tốt 3 yếu tố nêu trên để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn”. Theo ông Trung, để có sự gắn kết giữa cộng đồng và các cấp chính quyền Hội An phải đặt ra những quy chế trong từng lĩnh vực cụ thể để người dân tham gia, như quy chế về quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ; Quy chế về trật tự kinh doanh; Quy chế về biển hiệu quảng cáo; Quy chế về tham quan, du lịch; Quy chế về hoạt động du lịch trên sông; Quy chế về các cơ chế phối hợp quản lý di sản. Đặc biệt, các quy chế này chi phối cơ chế quản lý, sử dụng di tích; quy định việc buôn bán, làm du lịch trong di tích; quy định các hạng mục sửa chữa, thời gian cho phép sửa chữa các di tích, nhất là những di tích hạng 1, hạng 2 và cả hạng đặc biệt... Bên cạnh đó, để đưa các quy chế đi vào cuộc sống, nhiều năm qua chính quyền TP Hội An đã ban hành “cẩm nang” chi tiết từng nội dung, lĩnh vực, đặc biệt là chi tiết từng ngôi nhà cổ thuộc hạng nào, khu vực nào, khi muốn sửa thì được sửa những gì, hạng mục nào; thời gian sửa chữa; thời gian cấp phép bao lâu... để các chủ di tích căn cứ thực hiện…

Thích nghi để phát triển

Khu Đô thị cổ Hội An hay Khu Đền tháp Mỹ Sơn cũng đang đối mặt với không ít khó khăn giữa bảo tồn, phát huy di sản với mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là xu thế nhập cư ngày càng đông từ khắp mọi nơi về Hội An làm ăn, buôn bán, du lịch… Bởi thực tế với sức hút của các khu Di sản đồng nghĩa với việc lượng người đến ngày một đông sẽ tạo nên nhiều áp lực về giao thông; nơi ở và sinh hoạt, buôn bán, môi trường sinh thái... Thực tế cho thấy việc gắn kết phát triển du lịch, kinh tế sẽ kéo theo những nguy cơ làm nhiều nét truyền thống của Hội An xưa bị phai nhòa, một số di tích quá tải, hư hỏng, xuống cấp…

Theo TS Lê Thị Minh Lý- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam, di sản ký ức là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị thặng dư cho các di sản. Chính hồi ức của những nhà khoa học khi thực hiện nghiên cứu, ký ức của cộng đồng dân cư khi tham gia, bảo vệ và tôn tạo di sản chính là phần còn thiếu để tạo nét riêng, tạo hồn cho các Di sản văn hóa. Cũng theo TS Lý, cần nhìn lại và đánh giá những di sản nào gắn liền với Hội An, Mỹ Sơn. Trong đó, có di sản có thể tái sáng tạo để tạo ra kinh tế, giá trị gia tăng về vật chất, tinh thần. Hai di sản Đô thị cổ Hội An và Đền tháp Mỹ Sơn vẫn chưa có sự ưu tiên cho các di sản cần bảo vệ. Vì vậy, cần kiểm kê dựa vào cộng đồng. Trong khi đó, theo các nguyên tắc của UNESCO, bảo vệ di sản cần lôi kéo sự tham gia của các cộng đồng, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ…

Di sản văn hóa do tiền nhân sáng tạo đã vượt qua sự tác động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, xã hội, sự tàn phá của chiến tranh, thời gian và cho đến nay bao thế hệ con người Quảng Nam vẫn trân trọng, nâng niu, giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Việc huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản hiện vẫn được chính quyền và người dân ở đây chăm lo giữ gìn. Nỗ lực của cộng đồng dân cư chính là yếu tố cơ bản, quyết định sự sống còn của Di sản văn hóa, không chỉ với Hội An, hay Mỹ Sơn.

Minh Quân - Tấn Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/cong-dong-bao-ton-di-san-bai-hoc-tu-hoi-an-tintuc446905