Cộng đồng bảo vệ môi trường
Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao; gia tăng hiệu quả phong trào 'Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp', là một trong nhiều mục tiêu quan trọng huyện Thới Bình đặt ra để thực hiện tiêu chí môi trường.
Thời gian qua, huyện Thới Bình tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh nắm các chủ trương về BVMT, cùng tham gia phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải. Huyện thường xuyên mở đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, xử lý tình trạng ô nhiễm tồn đọng lâu ngày trên các tuyến kênh, sông, khu dân cư...; phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình, cho biết, trong nhiều cách làm tại địa phương, phải kể đến việc phát động “Ngày Chủ nhật lao động”, trồng hàng rào cây xanh, phân loại rác tại gia đình, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh... Bên cạnh đó là lồng ghép hoạt động thông tin tuyên truyền, hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm. Từ những giải pháp trên đã huy động được sức dân, người dân ngày càng nâng cao ý thức hơn trong BVMT.
Qua rà soát, hiện tại trong xây dựng xã NTM, 11/11 xã đạt các chỉ tiêu về môi trường. Xây dựng xã NTM nâng cao, dù nhiều chỉ tiêu đạt nhưng tỷ lệ còn thấp, như: chỉ tiêu 17.3 (tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom và xử lý theo quy định) hiện chỉ có 5/11 xã đạt; chỉ tiêu 17.4 (tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả), 11/11 xã đạt nhưng tỷ lệ còn thấp; chỉ tiêu 17.5 (tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn), 11/11 xã đạt nhưng tỷ lệ không cao...
Xây dựng huyện NTM, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như: có công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp; có kế hoạch/đề án kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn huyện.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, mặc dù công tác này đã qua ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn. Những chỉ tiêu về môi trường chưa đạt theo quy định trong Bộ tiêu chí đều là những chỉ tiêu có tính chất công trình, cần nguồn kinh phí lớn, nhưng ngân sách huyện còn gặp khó khăn, chưa thể đầu tư xây dựng hoàn thành.
Ngoài ra, do đặc thù của chỉ tiêu môi trường, phần lớn phụ thuộc vào ý thức, sự tham gia của người dân, như việc trồng cây xanh làm hàng rào, phát quang bụi rậm, làm vệ sinh xung quanh nhà, các trục lộ nông thôn... tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trên từng địa bàn ấp, xã. Do đó, các chỉ tiêu đã đạt rất dễ rớt chuẩn, cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực để giữ chuẩn.
Trong nhiều giải pháp, tuyên truyền vẫn là then chốt. Thời gian tới, địa phương sẽ phát động tham gia xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại rác; đoạn đường không rác; đường hoa; lò đốt rác cụm dân cư; nông dân chung tay BVMT; tổ tự quản về BVMT tại các xã: Trí Lực, Tân Bằng, Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Biển Bạch Ðông... và các hoạt động BVMT khác như: tái chế, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa; dọn dẹp cảnh quan xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, xử lý rác thải từ hoạt động nông nghiệp đúng quy định; không xả thải nơi công cộng; xây dựng và sử dụng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh...
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin hiện có về phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại địa phương, lịch trình thu gom, vận chuyển của đơn vị thu gom vận chuyển rác thải để huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng. Lắp đặt các cụm pa nô, bảng tin tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Cùng với đó, tổ chức hội thi ý tưởng tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa để có những giải pháp khả thi ứng dụng vào thực tế hiệu quả. Ðồng thời, góp phần nâng cao sự quan tâm của cộng đồng vào BVMT, giảm rác thải nhựa. Khuyến khích người dân tham gia BVMT bằng các việc làm thiết thực, nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến thu gom, xử lý rác thải, nước thải, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh... thông qua công tác hỗ trợ trang thiết bị, công cụ, dụng cụ để người dân thực hiện như: bồn tự hoại (xây dựng nhà tiêu), thùng rác (phân loại rác)...
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cong-dong-bao-ve-moi-truong-a31547.html