Cộng đồng Caribe kêu gọi các nước thành viên ký Hiệp định Biển cả

Ngày 24/4, Cộng đồng Caribe (Caricom) kêu gọi các quốc gia thành viên ký và phê chuẩn Hiệp định về Biển cả, được Liên hợp quốc thông qua ngày 19/6/2023 sau hai thập kỷ đàm phán.

Toàn cảnh Hội nghị liên chính phủ của Liên hợp quốc chính thức thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Toàn cảnh Hội nghị liên chính phủ của Liên hợp quốc chính thức thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 24/4, Cộng đồng Caribe (Caricom) đã kêu gọi các quốc gia thành viên ký và phê chuẩn Hiệp định về Biển cả, được Liên hợp quốc thông qua ngày 19/6/2023 sau hai thập kỷ đàm phán.

Đến nay mới chỉ có 6 nước trong tổng số 15 quốc gia thành viên chính thức của Caricom ký hiệp định này gồm Antigua & Barbuda, Belize, Bahamas, Dominica, Saint Lucia, Saint Vincent & Grenadines.

Theo tuyên bố của Caricom, các quốc gia thành viên của cộng đồng này “đã tham gia tích cực kể từ khi bắt đầu đàm phán và đóng vai trò tiên phong trong mọi khía cạnh của quá trình đàm phán.”

Để duy trì vai trò tích cực này, Hội đồng Caricom về Quan hệ đối ngoại và cộng đồng yêu cầu thành lập một nhóm cố vấn để hỗ trợ và hướng dẫn các nước phê chuẩn và sớm thực hiện hiệp định trên.

Caricom được thành lập hồi năm 1973, thay cho Hiệp hội tự do trao đổi Caribe với 15 nước thành viên là Antigua & Barbuda, Bahamas, Barbados, Belize, Dominica, Grenada, Guyana, Haiti, Jamaica, Montserrat, Saint Lucia, Saint Kitts & Nevis, Saint Vincent & Grenadines, Suriname và Trinidad & Tobago.

Ngoài ra, Anguilla, Bermuda, Cayman Islands, Turks và Caicos Islands, British Virgin Islands cũng tham gia Caricom với tư cách thành viên liên kết.

Hiệp định về Biển cả hay Hiệp ước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ thống các văn kiện dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong quản trị các vùng biển và đại dương, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia.

Đây là văn bản đặt nền móng cho việc thành lập các khu bảo tồn biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cam kết quốc tế nhằm bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương vào năm 2030.

Hiệp định trên sẽ không có hiệu lực cho đến khi có ít nhất 60 quốc gia ký và phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cong-dong-caribe-keu-goi-cac-nuoc-thanh-vien-ky-hiep-dinh-bien-ca-post942157.vnp