Cộng đồng chung tay phòng, chống cháy rừng
Thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đang bước vào cao điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao, hanh khô diễn ra trên diện rộng nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Trước tình hình này, Chi cục Lâm nghiệp tích cực phối hợp với các địa phương có rừng và các chủ rừng triển khai các giải pháp chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, phát huy tối đa trách nhiệm của cộng đồng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các chủ rừng để công tác phòng, chống cháy rừng được triển khai có hiệu quả.
Đakrông có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. Toàn huyện hiện có hơn 62.355 ha rừng tự nhiên. Đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã giao hơn 8.451 ha rừng tự nhiên cho 39 cộng đồng và 194 hộ dân bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ được nhận khoán và được kiểm lâm, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng nên diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Đakrông được bảo vệ tốt, nhất là trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trong những năm qua không để xảy ra vụ cháy rừng nào và vốn rừng phát triển nhanh.
Gia đình anh Hồ Văn Đeng ở thôn Tà Lêng, xã Đakrông là một trong những hộ tiên phong tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên. Cứ mỗi tuần một lần, anh Đeng cùng với 9 người trong nhóm của mình vào rừng tuần tra và thực hiện các hoạt động chống làm tổn hại đến rừng. Anh Đeng cho biết: “Tôi thường xuyên vào rừng tuần tra trong mùa nắng nóng để xem có ai phá rừng không và xem có nguồn gây cháy nào không. Tôi nhận rừng là tôi có trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng để ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra”.
Thôn Tà Lêng có 136 hộ được giao rừng tự nhiên. Để chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi các lâm sản tăng thêm từ rừng, các hộ ở đây đã thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng với hơn 60 người tham gia. Toàn thôn có 130 ha rừng tự nhiên được nhận chăm sóc và bảo vệ. Cứ đều đặn hằng tuần, các tổ này chia thành 2 nhóm đi kiểm tra các khu rừng mình nhận giao khoán quản lý. Đặc biệt trong mùa nắng nóng, các nhóm đã tăng cường tuần tra tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố bất ngờ xảy ra. Anh Hồ Văn La Hai, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tà Lêng cho biết: “Mỗi lần đi tuần tra khoảng 10 người, trong mỗi tháng tiến hành nhiều đợt tuần tra. Rừng mình đã nhận khoán thì mình rất thông thạo nên dễ kiểm tra, hễ có động thái nào xâm hại đến rừng là biết ngay. Ngoài giữ rừng, tổ cộng đồng bảo vệ rừng còn tích cực tham gia tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về trách nhiệm bảo vệ rừng để có ý thức hơn, không làm những việc gây hại cho rừng”
Các tổ cộng đồng bảo vệ rừng lập các chốt chặn, cử người luân phiên canh gác, tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền để bà con chung tay bảo vệ rừng. Vào mùa nắng nóng, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền địa phương đến tận từng thôn, bản để tuyên truyền và ký cam kết phòng chống cháy rừng. Trong đó các tổ giữ rừng là lực lượng nòng cốt, thường xuyên có mặt tại rừng để canh giữ, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng hoặc cháy rừng kịp thời báo cáo cho lực lượng chức năng xử lý.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông Lê Phước cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở thôn hoạt động rất hiệu quả. Hơn ai hết người dân địa phương là người bảo vệ rừng tốt nhất. Họ tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện nguy cơ rừng bị xâm hại, dễ bị cháy. Mặt khác, tổ bảo vệ rừng cộng đồng đã tuyên truyền đến người dân trong thôn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nhất là trong mùa nắng nóng cao điểm không làm những việc có thể gây cháy rừng. Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục chỉ đạo kiểm lâm viên cơ sở đến các thôn, bản thành lập thêm nhiều tổ giữ rừng hơn”.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp. Việc giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ và hưởng lợi theo quy định của pháp luật là chủ trương hết sức đúng đắn. Thông qua chính sách giao rừng tự nhiên, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra trên diện tích rừng được giao để phát hiện và phản ánh kịp thời các tác động xấu đến rừng. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng cũng được nâng lên rõ rệt, thay đổi quan niệm bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng, chống cháy rừng là việc của các cơ quan nhà nước. Người dân được hưởng lợi từ hoạt động nhận khoán bảo vệ rừng như tăng thêm thu nhập từ công giữ rừng, từ lâm sản ngoài gỗ... Nhận thức của người dân về lợi ích của rừng, về các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc nhận rừng có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu nhận rừng để bảo vệ và hưởng lợi của người dân ngày càng tăng; vai trò, trách nhiệm của chính quyền xã, thôn trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã được phát huy, nhờ vậy hơn 45.000 ha rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh đang được cộng đồng dân cư và hộ dân nhận khoán bảo vệ tốt...