Cộng đồng chung tay phòng ngừa đuối nước trẻ em
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ đuối nước liên quan đến trẻ em. Để góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ em, nhất là trong thời điểm nghỉ hè, các sở, ngành; tổ chức chính trị - xã hội các cấp, UBND huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của gia đình, phụ huynh, trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước, mở lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em...
Tăng cường giải pháp phòng ngừa đuối nước trẻ em
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ đuối nước, làm 12 trẻ em tử vong (trong đó có 5 trường hợp tử vong dưới 6 tuổi, chiếm 42%). Qua thực tế các vụ việc cho thấy, nguyên nhân trẻ em bị đuối nước do môi trường sống thiếu an toàn, xung quanh nơi ở của trẻ em có nhiều ao, hồ, sông, rạch... Cha mẹ, người lớn chủ quan, lơ là trong việc trông giữ, quản lý để các em tự do rủ nhau đi chơi, đi tắm. Bản thân các em ở độ tuổi hiếu động, thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn khi gặp sự cố bất ngờ dẫn đến đuối nước...
Tại huyện Cao Lãnh, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 4 vụ đuối nước, làm 6 trẻ em tử vong (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Với quyết tâm ngăn ngừa tai nạn đuối nước trẻ em, Phòng LĐ-TB&XH huyện tăng cường công tác truyền thông trên Đài truyền thanh huyện, các Trạm truyền thanh xã, thị trấn về nguy cơ và giải pháp phòng tránh đuối nước trẻ em. Tổ chức tuyên truyền để người dân tự ý thức và bảo vệ con em tránh xa sông nước và quan tâm nhiều đến trẻ, nhất là các gia đình sống gần tuyến sông, kênh, rạch. Đồng thời phối hợp với Huyện đoàn và các Xã đoàn, Thị trấn đoàn treo biển cảnh báo nguy cơ đuối nước, treo pa-nô và phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em tại 18 xã, thị trấn. Tổ chức các lớp truyền thông nhóm cho trẻ vui chơi và tìm hiểu về Luật Trẻ em, các kỹ năng phòng, chống đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em. Triển khai mô hình Trẻ em khởi xướng góp phần tạo sân chơi lành mạnh, sáng tạo cho trẻ tham gia trong dịp hè, hạn chế nguy cơ đuối nước.
Chủ động phòng, chống đuối nước trẻ em, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 36 xã, phường, thị trấn có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em ở 12 huyện, thành phố. Tổ chức 36 lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho 1.043 gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi; lắp đặt 15 bảng cảnh báo phòng, chống đuối nước trẻ em tại TP Hồng Ngự, huyện Tân Hồng. Đồng thời phối hợp UBND huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười và TP Cao Lãnh tổ chức lễ phát động phòng, chống đuối nước trẻ em; phối hợp UBND huyện Thanh Bình tổ chức Hội thi tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em... Sắp tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em về nguy cơ, cách phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em...
Tập bơi, phòng ngừa đuối nước
Nhằm trang bị kỹ năng bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Đồng Tháp năm 2023. Phấn đấu trong dịp hè tổ chức 800 lớp bơi an toàn cho khoảng 20.000 em từ 7 - 15 tuổi tại 12 huyện, thành phố.
Để triển khai hiệu quả công tác dạy bơi cho trẻ em, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên về kỹ thuật bơi an toàn, phương pháp sơ cứu, cấp cứu và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tại các huyện, thành phố, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND xã, phường, thị trấn tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, kết hợp kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ bơi vừa làm dịch vụ và hỗ trợ mở các lớp dạy bơi, các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. Từ đó, nhiều lớp phổ cập bơi được tổ chức và huy động phụ huynh trên địa bàn đưa con em đến tham gia.
Vừa qua, lớp phổ cập miễn phí tại Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) diễn ra sôi nổi với gần 20 trẻ em trong xã và các địa phương lân cận tham gia. Lớp phổ cập bơi do UBND xã phối hợp các mạnh thường quân tổ chức, duy trì việc dạy bơi cho các em 2 buổi/ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Em Phạm Nguyễn Công Thương, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, chia sẻ: “Khi nghỉ hè, ba mẹ khuyên em đi học bơi để phòng tránh đuối nước, nhưng do em sợ nước nên từ chối. Nhờ ba mẹ chở đến chỗ tập bơi ở Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã Hưng Thạnh, động viên nhiều lần nên em cố gắng vượt qua nỗi sợ để tập bơi. Chỉ học vài ngày em đã bơi được vài mét và cảm thấy hứng thú hơn...”. Ông Lê Hoàng Đức ngụ xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười), cho biết: “Hai con của tôi, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 11 tuổi đều chưa biết bơi. Sống gần kênh rạch, mà gia đình thường xuyên đi làm nên không yên tâm khi để các con ở nhà. Thấy vậy, tranh thủ thời gian nghỉ hè, tôi chở con đi học bơi tại Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã. Ở đây, giáo viên dạy miễn phí, cách dạy dễ hiểu nên các con nhanh biết bơi, gia đình tôi rất vui mừng...”.
Chung tay với các sở, ngành, địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tăng cường tổ chức sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè. Quan tâm lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em; phối hợp tuyên truyền và mở các lớp dạy bơi miễn phí, phấn đấu trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho ít nhất 1.500 trẻ em... Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Lam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, chia sẻ: “Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em cho hơn 300 cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội trên địa bàn tỉnh. Song song đó, tổ chức Ngày cao điểm chiến sĩ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” trên toàn tỉnh. Các cấp bộ Đoàn đã huy động hơn 2.150 lượt đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia thực hiện 78 hoạt động tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho hơn 2.900 lượt trẻ em tại địa bàn dân cư... Qua các hoạt động nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong tham gia bảo vệ an toàn gắn với việc tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em”.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, việc phòng, ngừa đuối nước trẻ em rất cần sự chung tay từ gia đình, nhất là người trực tiếp trông giữ trẻ. Ông Lương Tấn Kiệt - Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), khuyến cáo: “Đảm bảo an toàn cho trẻ em, các gia đình cần hết sức quan tâm, giám sát, bảo vệ trẻ em mọi lúc, mọi nơi. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, phụ huynh cần gửi con vào các điểm giữ trẻ, cơ sở giáo dục mầm non. Với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, gia đình quan tâm dạy cho trẻ biết bơi, biết các kỹ năng tiếp xúc môi trường nước và quản lý, giám sát trẻ chặt chẽ, nhất là trong dịp nghỉ hè, không để trẻ tự tắm sông, kênh, rạch. Các em học sinh cần chủ động tham gia tập bơi, tích cực rèn luyện thể chất, kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhằm tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ đuối nước...”.