Lan tỏa niềm tin và hy vọng vào giáo dục

Thắp sáng hy vọng, gieo mầm tương lai – chương trình 'Thay lời tri ân 2024' đã mang đến những câu chuyện xúc động về sự hy sinh thầm lặng và lòng tận tụy của những người thầy, người cô trên khắp mọi miền đất nước. Không chỉ là lời tri ân sâu sắc, chương trình còn truyền tải niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh giáo dục, nơi hy vọng được nuôi dưỡng để viết tiếp những giấc mơ lớn lao.

Tối 17/11, chương trình ‘Thay lời tri ân năm 2024’ với chủ đề “Hy vọng” được Bộ GD - ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng VTV tổ chức. Đây là hoạt động thường niên đầy ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tri ân những người thầy

Chương trình có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi, cùng đại diện nhiều bộ, ngành, cơ quan T.Ư và gần 400 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hàng triệu giáo viên trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình. Ảnh: MOET/Trần Hiệp

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình. Ảnh: MOET/Trần Hiệp

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Giáo dục là nghề tạo dựng tương lai. Chúng ta hy vọng vào những điều tốt đẹp mà giáo dục mang lại; tin tưởng vào sự phát triển của ngành, và chính các thầy cô là lực lượng quan trọng biến hy vọng đó thành hiện thực”.

Nghề giáo là nghề cao quý bởi nó không chỉ mang lại tri thức mà còn gieo mầm hy vọng và tương lai cho cả dân tộc".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD - ĐT, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà giáo vì đã lựa chọn nghề dạy người, yêu nghề, yêu người hết mực, và không ngừng đổi mới để thích ứng với sự phát triển. Ông cũng khẳng định: “Đất nước đang đứng trước vận hội lớn lao. Hơn 100 triệu người dân Việt Nam đang đặt niềm tin vào giáo dục. Hoàn thành sứ mệnh này, nghề giáo sẽ càng thêm ý nghĩa và cao quý”.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Bộ trưởng cũng tri ân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội, phụ huynh, và hàng triệu học sinh - những người đã luôn đồng hành cùng ngành giáo dục. Ông bày tỏ niềm tự hào và chúc mừng tất cả nhà giáo, cán bộ giáo dục một ngày lễ 20/11 thật ý nghĩa, tràn đầy sức khỏe và niềm vui.

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Điểm nhấn của chương trình là các câu chuyện xúc động về những người thầy, người cô tận tâm cống hiến.

Thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung chia sẻ câu chuyện xóa mù chữ cho đồng bào Mông trong chương trình.

Thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung chia sẻ câu chuyện xóa mù chữ cho đồng bào Mông trong chương trình.

Thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung (trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng, Văn Yên, Yên Bái) đã vượt qua mọi khó khăn để xóa mù chữ cho đồng bào Mông. Hành trình đến lớp học tại thôn Khe Táu thường xuyên bị cản trở bởi mưa lũ, sạt lở đất. Nhưng vượt lên tất cả, sự kiên trì của các thầy cô đã giúp nhiều bà con biết đọc, biết viết, thậm chí mở quán buôn bán, cải thiện cuộc sống. “Nhìn thấy bà con biết làm ăn, tôi cảm thấy hạnh phúc vì những đóng góp của mình”, thầy Thọ chia sẻ.

Thầy giáo Vũ Văn Tùng, trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, huyện Ia Pa (Gia Lai).

Thầy giáo Vũ Văn Tùng, trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, huyện Ia Pa (Gia Lai).

Cũng tại chương trình, câu chuyện về “tủ bánh mì không đồng” của thầy giáo Vũ Văn Tùng (trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, Ia Pa, Gia Lai) khiến nhiều người xúc động. Đã gần 5 năm nay, thầy Tùng mỗi tuần 3 buổi dậy từ 4h sáng, vượt 40 km mang bánh mì đến cho học sinh nghèo. Quỹ “tủ bánh mì không đồng” của thầy còn hỗ trợ bò và dê sinh sản cho các gia đình khó khăn, giúp họ vươn lên. Già làng nơi đây yêu mến gọi thầy là “Đinh Tùng” - người con mang họ Ba Na.

Thầy giáo Hà Ngọc Đào, cựu học sinh Trường miền Nam trên đất Bắc, nguyên Giám đốc Sở GD - ĐT Đắk Lắk.

Thầy giáo Hà Ngọc Đào, cựu học sinh Trường miền Nam trên đất Bắc, nguyên Giám đốc Sở GD - ĐT Đắk Lắk.

Câu chuyện về những “học sinh miền Nam trên đất Bắc” trong chiến tranh cũng được tái hiện qua lời kể của thầy giáo Hà Ngọc Đào, cựu học sinh miền Nam, nguyên Giám đốc Sở GD - ĐT Đắk Lắk. Trong xúc động, thầy Đào nhớ về những người thầy tận tụy, thay cha mẹ chăm sóc học sinh xa nhà, truyền dạy tri thức và nhân cách. Chính sự hy sinh thầm lặng đó đã gieo vào thế hệ học trò niềm hy vọng lớn lao, thôi thúc họ trở thành những bác sĩ, kỹ sư, chiến sĩ… góp phần xây dựng đất nước.

Hy vọng từ sự đổi mới và sáng tạo

Chương trình còn là diễn đàn để các nhà giáo chia sẻ tâm huyết, kinh nghiệm và những nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Đây cũng là dịp để cộng đồng hiểu thêm về những khó khăn mà giáo viên đối mặt trong kỷ nguyên số và thời đại trí tuệ nhân tạo, từ đó trân trọng hơn những cống hiến của họ.

Chương trình Thay lời tri ân năm 2024 chủ đề "Hy vọng".

Chương trình Thay lời tri ân năm 2024 chủ đề "Hy vọng".

Với chủ đề “Hy vọng”, Thay lời tri ân không chỉ là sự tôn vinh những người thầy, mà còn là lời nhắc nhở về vai trò của giáo dục trong xây dựng tương lai. Những câu chuyện tại chương trình là minh chứng sống động cho tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của các nhà giáo - những người đang ngày đêm gieo niềm tin và hy vọng vào thế hệ trẻ.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/lan-toa-niem-tin-va-hy-vong-vao-giao-duc-post1692447.tpo