Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Việc hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Với những tiềm năng, lợi thế được cộng hưởng, sự liên kết sẽ được hình thành, doanh nghiệp kỳ vọng có thêm động lực và cơ hội để vươn tầm.

DU LỊCH HỨA HẸN… “CẤT CÁNH”

Việc hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái đang mở ra những vận hội mới cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch.

Theo ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai: "Việc sáp nhập tỉnh Lào Cai và Yên Bái tạo ra thị trường du lịch rộng lớn và hấp dẫn hơn".

 Du lịch Lào Cai sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn.

Du lịch Lào Cai sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn.

“Trước đây, du khách có thể chỉ đến Lào Cai để khám phá Sa Pa hoặc đến Yên Bái để chiêm ngưỡng Mù Cang Chải. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những hành trình liền mạch, những cung đường di sản kết nối các điểm đến nổi tiếng này, từ đó kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách”.

Ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai

Sự cộng hưởng giữa một Lào Cai với thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng núi cao, du lịch văn hóa, cửa khẩu và một Yên Bái giàu tiềm năng du lịch sinh thái hồ Thác Bà, du lịch cộng đồng, sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao.

Việc hợp nhất cũng là cơ hội vàng để các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp có thể kết hợp để tạo ra các tour du lịch trải nghiệm kết hợp nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa bản địa, du lịch xanh, bền vững.

 Hồ Thác Bà điểm đến tiềm năng của du lịch Lào Cai.

Hồ Thác Bà điểm đến tiềm năng của du lịch Lào Cai.

“Khi các doanh nghiệp cùng ngồi lại, hợp tác với nhau, họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, tạo ra sức mạnh tổng hợp để cùng nhau phát triển, thay vì cạnh tranh nhỏ lẻ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hơn nữa, một tỉnh lớn hơn với nhiều tiềm năng sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng du lịch. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, ông Tô Bá Hiếu cho rằng các doanh nghiệp du lịch Lào Cai cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hành động quyết liệt. Trước hết, cần chủ động nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu và xu hướng của du khách trong bối cảnh mới. Song song đó, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp.

 Điệu xòe Thái - Mường Lò làm phong phú, đậm đà hơn bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Lào Cai.

Điệu xòe Thái - Mường Lò làm phong phú, đậm đà hơn bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Lào Cai.

“Điều cốt lõi là phải xây dựng được các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của vùng đất hợp nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với nhau và với các địa phương khác để tạo ra các tour, tuyến hấp dẫn. Cuối cùng, không thể thiếu việc đầu tư mạnh mẽ vào công tác quảng bá để đưa hình ảnh du lịch của tỉnh mới vươn xa hơn, song hành với cam kết phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hóa bản địa”, ông Hiếu thông tin thêm.

Với sự chủ động, đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp và sự định hướng, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, ngành du lịch hoàn toàn có thể cất cánh, kiến tạo những giá trị mới, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Lào Cai.

GIA TĂNG TÍNH LIÊN KẾT VÙNG

Lào Cai mới đã định hình một không gian phát triển mới với sự đột phá, trong đó sẽ tập trung vào 1 trục động lực dọc sông Hồng, 2 cực phát triển ở phía Bắc và phía Nam, 3 vùng kinh tế ở phía Đông, phía Tây và vùng Trung tâm. 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm công nghiệp, du lịch - dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và phát triển nông nghiệp hàng hóa.

 Kinh tế cửa khẩu dự kiến sẽ phát triển đột phá trong tương lai.

Kinh tế cửa khẩu dự kiến sẽ phát triển đột phá trong tương lai.

"Sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai sẽ có thêm những tiềm năng, dư địa cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển" - Ông Nguyễn Huy Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lào Cai cho biết.

Lợi thế Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, cửa ngõ thông thương với thị trường Tây Nam Trung Quốc, sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa khi có một “hậu phương” rộng lớn để cung cấp nguồn hàng hóa nông - lâm sản phong phú. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm trước khi xuất khẩu, thay vì chỉ xuất khẩu thô như trước đây.

Còn ở lĩnh vực công nghiệp, Lào Cai với thế mạnh về công nghiệp khai khoáng, luyện kim, hóa chất sẽ có thêm không gian để mở rộng, phát triển các khu công nghiệp tập trung, đồng thời có thể liên kết với các vùng nguyên liệu nông - lâm sản để phát triển công nghiệp chế biến sâu.

Về nông nghiệp, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, đầu tư vào chế biến sâu và xuất khẩu; xây dựng, triển khai các mô hình canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển chăn nuôi và trồng trọt gắn với bảo vệ môi trường.

 Lào Cai sẽ trở thành trung tâm xuất - nhập khẩu các mặt hàng nông sản của địa phương.

Lào Cai sẽ trở thành trung tâm xuất - nhập khẩu các mặt hàng nông sản của địa phương.

Ông Nguyễn Huy Long cũng cho rằng: "Các doanh nghiệp Lào Cai cần chủ động nắm bắt cơ hội, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị. Những doanh nghiệp đã có nền tảng về chế biến, sản xuất cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa để nâng cao giá trị sản phẩm".

“Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, tăng cường liên kết, hợp tác với nhau, hình thành các chuỗi giá trị, từ đó nâng cao sức cạnh tranh. Việc ứng dụng công nghệ, phần mềm vào quản lý sản xuất kinh doanh sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường”- ông Long cho biết thêm.

Cùng với đó, chính quyền địa phương hai cấp đang chuyển mình mạnh mẽ, từ vai trò quản lý sang phục vụ và kiến tạo. Nền tảng vững chắc cho sự chuyển đổi này là 4 Nghị quyết đặc biệt quan trọng của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

 Những doanh nghiệp đã có nền tảng về chế biến, sản xuất cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa để nâng cao giá trị sản phẩm.

Những doanh nghiệp đã có nền tảng về chế biến, sản xuất cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tất cả yếu tố cộng hưởng này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Lào Cai khai thác tối đa tiềm năng địa phương, tận dụng lợi thế kết nối thương mại quốc tế. Tinh thần hợp lực này không chỉ thúc đẩy sự phát triển theo chiều rộng - tăng quy mô, tăng thị phần - mà còn thúc đẩy chiều sâu: nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới quản trị, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, cả trong nội vùng và quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ, để chung tay góp sức đưa tỉnh Lào Cai mới - vươn mình giữa biên cương, tiến vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của liên kết, sức mạnh và phát triển toàn diện.

Lê Trung Kiên

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cong-dong-doanh-nghep-ky-vong-them-nhieu-du-dia-de-dot-pha-post648275.html