Cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp

Sức của Nhà nước là có hạn, trong khi khó khăn của doanh nghiệp phải đương đầu là vô cùng lớn. Vì vậy, tâm thế của doanh nghiệp lúc này là không trông chờ, ỷ lại.

Đã có những nỗ lực tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, mỗi tháng, có hàng nghìn doanh nghiệp tuyên bố rời khỏi thương trường. Ngay cả các “ông lớn” của nền kinh tế cũng đang rất lao đao.

 Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh: VAM)

Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh: VAM)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, doanh nhân Việt đang trong cơn bão tố.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, kinh tế thế giới dù đã có những tín hiệu được cải thiện nhưng vẫn đang tiếp tục khó khăn. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt bị thu hẹp.

Ở trong nước, sản xuất khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động suy giảm, sức mua thấp, thị trường ảm đạm. Đầu tư nước ngoài không được như kỳ vọng.

“Doanh nghiệp Việt, sau một thời gian gồng mình chống đỡ với đại dịch Covid, nay lại tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn mới, thậm chí có mặt, còn nặng nề hơn”, ông Lộc nói.

Các doanh nghiệp còn hoạt động cũng cầm chừng và rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải người lao động, thậm chí có doanh nghiệp chết lâm sàng...

Số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy, cả nước có trên 160.000 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh là gần 122.000 doanh nghiệp.

Con số này cũng có nghĩa tính bình quân cứ 10 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có tới gần 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn nhất trong nhiều năm qua.

Bình quân một tháng có tới 15.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Quy mô doanh nghiệp thành lập mới cũng đang suy giảm cả về số vốn đăng ký và lao động so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ đi.

“Trong những khó khăn của doanh nghiệp, có khó khăn là tức thời, nhưng có những khó khăn về cơ cấu, là những khó khăn dài hạn. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ”, ông Lộc nhận định.

Trước những khó khăn của nền kinh tế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp đã có những nỗ lực tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp với những giải pháp cả về quy mô và tính chất đều chưa từng có trong tiền lệ.

Tuy vậy, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, tình hình thế giới vẫn tiếp tục khó lường, và những khó khăn nội tại của nền kinh tế dồn tụ trong nhiều năm vẫn đang bộc lộ ngày càng rõ.

“Sức của Nhà nước là có hạn, trong khi khó khăn của doanh nghiệp phải đương đầu là vô cùng lớn. Vì vậy, tâm thế của doanh nghiệp lúc này là không trông chờ, ỷ lại mà phải tự cứu mình trước khi trời cứu”, ông Lộc nói.

 Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). (Ảnh: PO)

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). (Ảnh: PO)

Ông Lộc nhấn mạnh: Doanh nghiệp Việt Nam lại một lần nữa đứng trước một cuộc vượt cạn mang tính chất sinh tử để tồn tại, để cứu mình, giữ công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tận dụng hiệu quả thị trường trong nước

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp, không ỷ lại vào Chính phủ.

Thành công này có sự đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng ghi nhận những đóng góp rất tích cực của các địa phương.

“Để đạt được kết quả phát triển kinh tế như vậy là nhờ những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp lớn để giảm bớt khó khăn, ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, cộng đồng doanh nhân cần tận dụng hiệu quả thị trường trong nước từ cả hai phía.

Thứ nhất, Việt Nam cần kích thích tiêu dùng trong nước bằng các biện pháp kích cầu tiêu dùng (miễn, giảm các loại thuế, phí như thuế VAT; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong các dịp lễ tết, cuối năm; đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam…

Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách gắn kết mạnh mẽ giữa sản xuất và tiêu dùng trong nước… Bên cạnh đó, phát triển mạnh thương mại điện tử; tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước làm vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; giữa doanh nghiệp với thị trường trong nước, quốc tế và gia tăng khả năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước khi tham gia thị trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-dong-doanh-nghiep-rat-y-thuc-trong-no-luc-khac-phuc-kho-khan-va-tim-ra-giai-phap-post267940.html